Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-Ttg về Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95-100%. Cũng trong chương trình này, mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90- 95%, đến năm 2025 có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi theo Báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỉ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, ngoài ra, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan.
Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, con số này vẫn giữ nguyên. Vấn đề đặt ra là vì sao một đất nước có tài nguyên nước dồi dào, sông hồ đa dạng trên cả nước mà tỉ lệ người dân dùng nước máy thấp như vậy? Giá nước đã phù hợp với cơ chế thị trường hay chưa? Thực trạng hoạt động, đầu tư của các doanh nghiệp cung cấp nước sạch thế nào và các chính sách về nước sạch đã đầy đủ hay chưa?
Để trả lời cho những câu hỏi này, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch".
Khách mời Tọa đàm:
- Ông Châu Trần Vĩnh – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Ông Nguyễn Thế Công – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
- Ông Nguyễn Ngọc Điệp – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam
- Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông
Cuộc Tọa đàm được truyền hình trực tuyến tại địa chỉ "chinhphu.vn". Quý vị quan tâm có thể gửi câu hỏi tới doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng 080.48113.
Tổ chức lại thị trường; phân định rõ vai trò công – tư là những việc cần làm trong dài hạn để giải bài toán cho nước sạch. Tuy nhiên, ngay trong ngắn hạn, để giải quyết bài toán giá nước thì các địa phương cần xử lý là xử lý hài hòa, có trách nhiệm với hợp đồng đã cam kết. Có như vậy mới thu hút được đầu tư tư nhân tham gia vào nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước sạch của người dân.
Cuộc toạ đàm ngày hôm nay xin được khép lại tại đây, chúng ta sẽ cùng gặp nhau trong những toạ đàm tiếp theo.
Sự chồng chéo trong quản lý, không phân định rõ ràng vai trò công – tư đã dẫn đến những khó khăn trong triển khai. Chúng ta thấy rằng rất cần thiết phải có Luật về nước sạch. Để góp ý làm sao cho Luật Nước sạch được phù hợp với thực tiễn, xin mời các vị khách mời có thể ngắn gọn đề xuất, kiến nghị?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Về Luật Nước sạch, Quốc hội, Chính phủ đã có nghị quyết, Bộ Xây dựng đã xây dựng lộ trình, tiến độ để có những dự thảo, hội thảo với bộ, ban, ngành. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là chính sách về nước của chúng ta có một chút lạc hậu vì xung quanh chúng ta tất cả các nước đều có luật cấp thoát nước còn mình thì chưa có. Khi ngành nước phát triển đến mức như hiện nay thì đòi hỏi chúng ta điều chỉnh quy định trong ngành nước phải thực tế hơn, ví dụ như chuyển đổi số trong ngành nước. Bây giờ có cả các nhà máy trăm nghìn m3 ngày đêm mà rất ít người. Hoặc việc quản lý khách hàng, vận hành tất cả tự động hóa và cũng có nhiều công nghệ mới, mô hình quản lý mới. Ví dụ như nhiều ý kiến là công đoạn nào chúng ta cổ phần, công đoạn nào Nhà nước trực tiếp nắm giữ. Tất cả cái đó chúng ta phải quy định, học hỏi kinh nghiệm của các nước để bổ sung, có hành lang pháp lý với tầm nhìn dài hạn hơn để nhà đầu tư yên tâm, người dân có điều kiện hưởng lợi hơn.
Ông Châu Trần Vĩnh: Về mặt chính sách, sự ra đời của luật này là hết sức cần thiết. Hiện nay hệ thống pháp luật của chúng rất nhiều, làm sao tích hợp được các nội dung về giá, đầu tư công, thu hút đầu tư, xây dựng, kể cả nguồn, trong một bộ luật là bài toán hết sức nan giải. Không còn cách gì khác ngoài sự nỗ lực tối đa của các bộ, ngành, địa phương để có một bộ luật với các tiêu chí cao nhất đảm bảo được nước sạch cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Công: Ý kiến của ông Vĩnh rất xác đáng. Ở góc độ của địa phương rất muốn có một luật về cấp nước sạch đầy đủ trọn vẹn tất cả các công tác đầu tư, đấu thầu quản lý sau đầu tư… Tóm lại là làm thế nào để có một luật cấp nước sạch đầy đủ để địa phương có thể căn cứ vào để triển khai; nhà đầu tư nhìn thấy sự yên tâm ổn định.
Ông Nguyễn Quang Đồng: Với luật này có mấy vấn đề chính cần quan tâm. Đầu tiên, phải xác định trước nước sạch là một dịch vụ công thiết yếu, Nhà nước phải là người chủ trì nắm vững toàn bộ thị trường như vậy. Thứ hai, nhìn nhận nước sạch là một thị trường. Đó là thị trường dịch vụ công, cần phải có tổ chức thị trường hài hòa minh bạch, chia ra thành các khâu, mỗi khâu có cách tiếp cận riêng. Thứ ba là những vấn đề về mặt kỹ thuật. Nghiên cứu về mặt luật pháp chúng tôi có thể thấy được, về mặt thị trường cấp nước thì có bài học ngành điện, cứ mở cửa cho tư nhân tham gia vào. Khâu cấp nước có thể thực hiện theo Luật Đầu tư với hình thức đối tác công tư. Luật này đã được Quốc hội ban hành rồi. Vấn đề nên có Nghị định riêng cho thị trường này. Ngành giao thông cũng đã cụ thể hóa Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho thị trường hạ tầng giao thông.
Liên quan đến khâu bán lẻ phân phối đảm bảo chất lượng nước thì có thêm những vấn đề như vậy nữa.
Cuối cùng, vấn đề vai trò điều phối liên ngành từ nguồn nước là vai trò quan trọng không thuộc về một địa phương, cần có sự thống nhất đồng bộ, hài hòa giữa các vùng, không nên quá xé lẻ cho từng tỉnh.
Giải quyết được một loạt vấn đề như vậy, chúng ta bóc tách từng vấn đề để có giải pháp tiếp cận phù hợp.
Tại nhiều địa phương, giá nước sạch ít được điều chỉnh. Đơn cử tại Hà Nội, khung giá này gần 10 năm qua vẫn giữ nguyên. Nếu giá nước cao quá thì người dân không tiếp cận được còn giá nước thấp thì doanh nghiệp không đủ động lực để tham gia vào thị trường. Bên cạnh đó, việc không tuân thủ cam kết của địa phương khiến nhà đầu tư không đạt được mục tiêu tài chính, thậm chí thua lỗ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư lâu dài. Vậy làm sao giải quyết được bài toán này để các doanh nghiệp yên tâm phục vụ người dân mà vẫn bảo đảm được các chi phí của doanh nghiệp, bảo đảm tính chất của hàng hóa công? Đầu tiên xin được hỏi ông Nguyễn Quang Đồn ở góc độ người nghiên cứu.
Ông Nguyễn Quang Đồng: Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hiểu về thị trường một cách thống nhất và tư duy lành mạch, có những khâu cấp nước, đường ống và khâu bán lẻ. Bây giờ phải rành mạch từng công đoạn và với mỗi công đoạn sẽ có những chính sách riêng. Đối với khâu phát nước thì DN tư nhân rất sẵn sàng tham gia. Đây là phân khúc nên ưu tiên cho các DN tư nhân tham gia. Ở Hà Nội cũng vậy, đã có những DN lớn tham gia vào như Công ty Nước sạch sông Đà, Công ty Nước sạch sông Đuống, Công ty Nước sạch sông Hồng… đều là những DN mạnh về cấp nguồn. Cái khó hơn là ở mạng lưới đường ống. Ví dụ như với tốc độ đô thị hóa của Hà Nội, việc phát triển đường ống ra các khu vực nông thôn rất khó khăn và nguồn lực Nhà nước chắc chắn không đủ để đầu tư vào việc này. Mặc dù, Nhà nước vẫn chủ trì nhưng khâu này chúng tôi nghĩ nên đi theo bước đối tác công tư, tức là có cơ chế để tư nhân tham gia khâu đường ống. Sau đó bán lẻ sẽ là Nhà nước nắm giữ.
Về giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, có thể chia theo lũy kế bậc thang, người nào dùng nhiều sẽ phải trả tiền nhiều, hộ nghèo thì sẽ như đại diện Bộ TN&MT vừa nói.
Đối với giá mua nước, tức là đầu vào để cung cấp nước, rõ ràng đã là thị trường thì phải tổ chức theo nguyên lý thị trường, tức là thị trường sẽ có sản xuất. Sản xuất ở nước mặt với chi phí lớn hơn thì Nhà nước phải mua với chi phí lớn hơn, phải bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất như vậy cho DN thì DN mới yên tâm đầu tư.
Với vấn đề của Hà Nội chẳng hạn. DN hiện hữu đã tham gia rồi, cần bảo đảm lợi ích cho họ như nhà máy đã đầu tư, có hợp đồng cam kết sau khi đánh giá năng lực và cần mua đủ cam kết, tính đúng, đủ giá cũng như chi trả đúng thời hạn cho DN. Như vậy, Nhà nước bảo đảm cho DN có niềm tin lâu dài rằng Nhà nước rất mong muốn thu hút đầu tư, rất minh bạch và sòng phẳng, bảo đảm quyền lợi cho DN thì khâu phát nước chúng ta sẽ bảo đảm được.
Khâu phân phối nước cũng như vậy. Mặc dù khâu này Nhà nước cần chủ trì và đầu tư theo đối tác công tư nhưng vẫn phải tính đúng, tính đủ cho DN trong giai đoạn đầu tư. Còn về mặt cơ chế giá thì có thể theo tiến trình vận hành, sẽ trả dần cho DN.
Nếu chúng ta tổ chức được thị trường như vậy thì sẽ mạch lạc hơn so với việc mỗi nơi tổ chức một kiểu. Tuy nhiên, vẫn cần có một điều phối nữa, đặc biệt là điều phối liên vùng. Ở đây có vai trò của các bộ, trong đó có Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT. Ví dụ như Nhà máy nước Thuận Thành (Bắc Ninh), mặc dù rất gần Hà Nội nhưng nếu để cho Hà Nội và Bắc Ninh có hai giá khác nhau thì rất khó cho DN.
Điểm cuối cùng, chúng ta đang có 5 bộ tham gia điều tiết thị trường này. Đã đến lúc cần thống nhất lại, giảm đầu mối xuống một bộ điều phối chung, nhưng các đoạn chuyên ngành thì vẫn cần phân cho bộ chuyên ngành. Đầu mối này sẽ giúp cho cả thị trường tổ chức tốt hơn. Tất cả tư duy như vậy cần đưa vào Luật Cấp thoát nước sắp tới.
Xin mời ý kiến của ông Điệp?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: Tôi rất lạc quan với năng lực của người Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước. Đội ngũ cán bộ trong ngành hoàn toàn có đủ trình độ để cấp thoát nước cho người dân.
Vấn đề chúng ta đặt ra là một sân chơi bình đẳng, hợp lý, khoa học, thu hút rất nhiều vốn của các nhà đầu tư để họ đầu tư vào ngành nước. Trong thể chế đó, vai trò chức năng của các bộ, cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế đấu thầu, công tác cổ phần hóa, kể cả vấn đề bảo đảm an ninh an toàn cho ngành nước, vấn đề giá nước và tiêu chuẩn sức khỏe… rất nhiều dự án do người Việt Nam chủ động đầu tư và đã hoàn thành tốt, thậm chí là hiệu quả hơn cả vốn đầu tư nước ngoài từ nguồn vốn ODA.
Ông Công nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thế Công: Hà Nội cũng đang xây dựng giá cho Nhà máy nước sạch sông Đuống. Nhà máy nước sạch sông Đuống là nhà máy với công nghệ hiện đại, dây chuyền tiên tiến thì chúng tôi rà soát xây dựng giá cho Nhà máy có một số định mức kỹ thuật ngoài quy định theo Quy định 590 của Bộ Xây dựng và đơn vị tư vấn lập ra cho Nhà máy nước sạch sông Đuống cũng trực tiếp liên hệ với Bộ Xây dựng xin ý kiến để xây dựng giá.
TP. Hà Nội cũng rất quan tâm đến các nhà đầu tư sau khi hoàn thành kiểm toán và hiện tại Nhà máy nước sạch sông Đuống đã bán nước cho các nhà phân phối. Tuy nhiên giá nước cũng đang trong quá trình hoàn thiện.
Như tôi có trao đổi lúc đầu, TP. Hà Nội có lập tổ chuyên ngành trên cơ sở của Nhà máy nước sạch sông Đuống và các nhà máy cấp nguồn để xây dựng giá cấp nước sạch chung của TP. Hà Nội.
Còn tại cấp huyện, cũng có nhà đầu tư gửi hồ sơ xin được đầu tư, tuy nhiên do sự chồng chéo về các luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng nên việc lựa chọn nhà đầu tư với Thành phố bây giờ rất khó khăn. Thành phố đã chủ động giao các sở có văn bản để xin ý kiến các bộ hướng dẫn lựa chọn được các nhà đầu tư hệ thống cấp mạng cho các huyện.
Với khó khăn vướng mắc như vậy, TP. Hà Nội rất mong sớm xây dựng Luật Cấp thoát nước để các nhà đầu tư căn cứ vào đó yên tâm đầu tư, bảo đảm tính ổn định, lâu dài cho các nhà đầu tư.
Thưa ông Vĩnh, rõ ràng nước là mặt hàng đặc biệt nhưng làm sao chúng ta bảo đảm chi phí cho DN nhưng vẫn bảo đảm tính chất cho mặt hàng này?
Ông Châu Trần Vĩnh: Như ông Điệp đã nói, Nghị định 117 đã được sửa đổi vài lần nhưng tính pháp lý ít và với mặt hàng hết sức đặt biệt như thế này, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống nhân dân mà đang được điều tiết bởi một Nghị định thì cũng là hạn chế lớn trong vấn đề triển khai thực hiện.
Về việc có xây dựng Luật Cấp thoát nước hoàn chỉnh hay không thì Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng triển khai nhưng để bảo đảm tất cả những gì chúng ta trao đổi từ đầu thì cần phải sửa đổi đồng bộ thống nhất, liên quan đến cả Luật giá, Luật Đầu tư công, Luật Đối tác công tư, kể cả Luật Tài nguyên nước, bảo đảm được chất lượng nước nguồn, bảo đảm được đời sống... Tất cả những điều này, thời gian tới, dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ có những động thái, biện pháp tích cực, để phối hợp với các bộ ngành liên quan đưa ra, bảo đảm thị trường nước công khai, minh bạch, dân chủ và bảo đảm an ninh nguồn nước cho sinh hoạt của người dân…
Nói về vấn đề giá nước, chúng ta đều thống nhất là giá nước đi cùng chất lượng nước. Tuy nhiên, tại 63 tỉnh thành đang có các biểu giá nước sạch khác nhau. Công ty nước sạch quyết định giá bán nhưng phải nằm trong biểu giá của địa phương. Đa số địa phương quyết định mức giá bình quân đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất và có lợi nhuận tối thiểu 5%. Tuy nhiên, cũng có địa phương áp giá nước thấp hơn chi phí sản xuất, dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước gặp khó khăn trong quản lý, khai thác, sử dụng. Vậy giá cả hiện nay là thấp hay cao? Giá đó đã đáp ứng được yêu cầu để đảm bảo chất lượng nước chưa? Và các DN cần có chính sách gì về giá để sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp: 63 tỉnh, thành phố có 63 giá khác nhau. Đó là điều hợp lý vì quy trình sản xuất nước có rất nhiều yếu tố khác nhau: Có nhiều nhà máy sản xuất nước sạch từ nước ngầm, có nhà máy sản xuất nước sạch từ nước mặn, có nhà máy sản xuất nước sạch ngay gần vùng dân cư nên ít phải đầu tư mạng lưới. Vì vậy ngay trong 1 tỉnh thôi cũng đã có giá khác nhau. Ngay Hà Nội, giá nước sạch sản xuất từ sông Đà cũng khác giá nước sản xuất từ sông Đuống và khác với nước ngầm… Đây là điều tất yếu.
Để tính giá nước, có Thông tư 44 ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính tạo điều kiện cho chính quyền địa phương. Theo Thông tư này, giá nước sạch được tính đúng tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý và hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận phù hợp với chất lượng nước, định mức kinh tế kỹ thuật, quan hệ cung cầu về nước sạch, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, khu vực thu nhập của người dân trong từng thời kỳ; hài hòa lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước sạch và khách hàng sử dụng nước, khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm, khuyến khích các đơn vị cấp nước nâng cao chất lượng. Nguyên tắc của Thông tư này là rất chặt chẽ và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Một công ty sản xuất nước thì có rất nhiều nhóm khách hàng: Người dân dùng trong sinh hoạt; nhóm phục vụ dịch vụ; sản xuất công nghiệp; tưới cây, rửa đường và thất thoát kỹ thuật (ví dụ có nhà máy tốt nhưng đường ống đầu tư đã lâu chưa kịp tái đầu tư thì đó là thất thoát). Tức là giá nước bao gồm cả vấn đề thất thoát. Nếu như một công ty đầu tư vào hệ thống cấp nước tốt mà thất thoát chỉ khoảng 10% thì giá nước giảm rất nhiều. Như vậy, giá nước có thể khác nhau.
Bên cạnh đó, có công cụ để tính toán giá nước ở thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó có quy định chính quyền địa phương xác định giá bán cho người tiêu dùng trong sinh hoạt. Còn bán cho khu công nghiệp hoặc khu dịch vụ thì có một khung giá trần để xác định giữa đơn vị sản xuất nước và đơn vị tiêu thụ nước. Trên cơ sở tất cả yếu tố đầu vào để tính toán đầy đủ các chi phí, lợi nhuận để tính toán ra chính sách nước cho người dân thì việc này không khó. Thực tế đã rất nhiều địa phương áp dụng Thông tư 44 để triển khai giá nước cho người dân.
Hằng năm, Hội Cấp thoát nước Việt Nam có khảo sát tình hình của các công ty cấp nước. Số liệu mới nhất trong tháng 4 vừa rồi có 72 công ty cấp nước giá rất khác nhau. Có địa phương ngay cạnh nhau nhưng giá gấp đôi nhau. Giá cao nhất tới 15.000-16.000 đồng, giá thấp nhất chỉ 6.000-7.000 đồng. Vì vậy, vấn đề này phụ thuộc chính quyền dịa phương. Nếu địa phương quan tâm ngành nước và việc cung cấp nước sạch cho người dân thì UBND sẽ căn cứ Thông tư 44 này để tính giá nước cho người dân. Giá nước này cũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư biết rằng đầu ra được giá bao nhiêu để tính toán đầu tư. Do đó, mong các địa phương khẩn trương ban hành xây dựng giá này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cấp nước tính toán minh bạch, hiệu quả đầu tư.
Ông Châu Trần Vĩnh: Trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2023, Bộ Tài chính sẽ trình Luật Giá sửa đổi. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Tài chính để có những nội dung cụ thể, rõ ràng liên quan đến giá nguồn nước là giá rất đặc thù.
Theo chính sách pháp luật của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước đều phải nộp tiền cấp quyền. Trong đó, riêng tiền cấp quyền cho nước sinh hoạt đang được miễn. Đây cũng là chính sách để hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư trong việc tham gia vào ngành nước.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi đồng ý với ý kiến của anh Đồng là nên xây dựng một biểu giá phù hợp từng khu vực, vùng miền, đối tượng, có những quy định về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Nếu người dân sử dụng nhiều nước thì phải đóng giá cao. Nếu đánh đồng tất cả dùng một biểu giá, không có bậc thang giá thì vô hình chung sẽ khuyến khích thói quen sử dụng nước không tiết kiệm, hiệu quả.
Về mặt nguồn, đại diện cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn trong vấn đề bảo đảm được nguồn nước cấp cho người dân.
Ông Nguyễn Thế Công: Đối với lĩnh vực đầu tư cung cấp nước, đặc biệt là các nhà đầu tư tham gia vào hệ thống cung cấp thì trước hết, lĩnh vực cấp nước là lĩnh vực công ích, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như đầu tư tổng xuất mức đầu tư vào các dự án mạng rất lớn. Trong khi việc triển khai thu phí nước sạch, đặc biệt đối với các vùng nông thôn với tần suất và công suất sử dụng nước rất nhỏ, thì sẽ phải mất thời gian rất dài, các nhà đầu tư mạng mới có thể thu hồi vốn được. Do vậy, tiêu chuẩn đầu tiên để lựa chọn được các nhà đầu tư thì trước hết phải là năng lực quản lý và năng lực tài chính, đồng thời đòi hỏi phải có tâm, có trách nhiệm. Còn đối với Hà Nội, Thành ủy và UBND Thành phố cũng rất quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khi tham gia vào triển khai các dự án cung cấp nước sạch, huy động các nguồn đầu tư để tập trung hoàn thành hệ thống nguồn và hệ thống mạng để đảm bảo phủ kín việc cấp nước cho người dân trên địa bàn Hà Nội.
Ở một số địa phương, chính quyền có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và quản lý khai thác công trình nước sạch. Trên địa bàn thành phố Hà Nội, vấn đề này được thực hiện ra sao? Giá nước tại Thành phố và các cơ chế được quy định thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Hiện tại Hà Nội đang duy trì giá nước ban hành từ năm 2013, điều chỉnh gần nhất là năm 2015. Từ năm 2019, Thành phố đã giao Sở Tài chính rà soát điều chỉnh giá nước phù hợp với điều kiện sản xuất tiêu thụ nước sạch hiện nay. Khi Hà Nội sáp nhập, có 2 hệ thống cấp nước: Đô thị và nông thôn. Giá nước ở hai khu vực này khác nhau.
Chủ trương của Hà Nội đến nay là không còn phân biệt giữa hai khu vực này, toàn bộ cấp nước sạch theo nguồn nước chung. Điều tiết được giá tuỳ thuộc vào vào quy mô, công suất, chất lượng nước sẽ có giá khác nhau.
Hiện tại, UBND Thành phố đã giao cho Sở Tài chính tổ chức tổ công tác liên ngành rà soát tổng thể các dự án nước làm cơ sở xác định giá nước sinh hoạt chung của cả Thành phố. Ở đây sẽ có chênh giá của các chủ đầu tư khác nhau nhưng Thành phố yêu cầu xây dựng khung giá chung để người dân toàn Thành phố đều được tiếp cận nguồn nước sạch tiêu chuẩn. Lãnh đạo Thành phố có yêu cầu là phải xin ý kiến các bộ để xây dựng chính sách, xây dựng cơ chế điều hòa điều chỉnh giá nước giữa các đơn vị cấp nước, đặc biệt là các đơn vị cấp nguồn, đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp cấp nước, đồng thời xây dựng cơ chế điều tiết giá chung cho cả Thành phố. Hiện tại, chưa có một nhà đầu tư nào tham gia xây dựng dự án đầu tư cấp nước mặt.
Quan điểm của cá nhân tôi là sớm ban hành Luật để có cơ chế đầu tư, quản lý… Với Hà Nội, tại các địa phương, các nhà đầu tư đầu tư vào hệ thống nước mặt, theo hệ thống Luật nếu chỉ có 1 nhà đầu tư thì không có vấn đề gì, nhưng nếu có từ 2 nhà đầu tư thì bài toán lựa chọn nhà đầu tư như thế nào? Nếu theo Luật Đấu thầu cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, vì vậy rất khó khăn với các địa phương như Hà Nội.
Về giá, Hà Nội cũng đang rà soát kỹ thuật theo các thông tư của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Với các nhà đầu tư mới có các định mức kỹ thuật với các tiêu chí cao, tiên tiến. Hà Nội cũng đã có những văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn để xây dựng giá cho các nhà đầu tư phù hợp. Đây cũng là một trong những điều vướng cho các chủ đầu tư.
Quan điểm của ông Đồng về vấn đề này thế nào?
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: Tôi nghĩ rằng nên mở rộng cái góc nhìn về mặt chính sách hơn nữa bởi thị trường nước phân thành 3 giai đoạn: Sản xuất nước, phân phối nước và bán lẻ nước. Trong 3 công đoạn như vậy phải xác định là Nhà nước dẫn dắt ở công đoạn nào, tư nhân được tham gia vào công đoạn nào, chứ không phải chúng ta mở cửa toàn bộ thị trường, tư nhân tham gia cả. Phải có những chỗ Nhà nước cần nắm bởi nước là hàng hóa công hoặc là bán công. Nó có những đặc tính riêng, vừa có đặc tính của hàng hóa nhưng là hàng hóa độc quyền bán ra số lượng lớn.
Phần sản xuất nước thì chúng ta nên mở cửa kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất. Hiện tại một số tỉnh cũng đã theo như vậy. Còn đối với mạng lưới phân phối nước thì Nhà nước phải giữ. Nếu có huy động tư nhân nữa thì có thể theo phương pháp đầu tư công tư.
Bán lẻ thì tùy vào từng địa phương, tất nhiên cũng là Nhà nước nên giữ. Nghiên cứu tổng thể ở toàn Việt Nam, chúng tôi thấy những tỉnh nào có tư duy tổ chức thị trường tốt thì thị trường sẽ tốt và theo đấy mạng lưới cấp nước hoạt động tốt. Ví dụ TPHCM sau một giai đoạn cổ phần hóa, họ đã dừng cổ phần hóa đối với mạng lưới cung cấp nước. TPHCM có nghị quyết đặt mục tiêu đảm bảo 95% dân số có nước sạch.
Đối với sản xuất nước, hiện tại nên huy động tư nhân vào. Cái này khá giống ngành điện, sản xuất điện thì tư nhân tham gia vào rất thoải mái.
Quay trở lại vấn đề giá nước. Đây là vấn đề mấu chốt, 10 năm không điều chỉnh giá nước nghĩa là không có lợi nhuận cho tư nhân tham gia. Đương nhiên nước là hàng hóa thiết yếu, cũng phải khống chế lợi nhuận tối đa, không thể có giá nước cao quá được. Vậy thì phải giải quyết được bài toán tăng giá nước. Sẽ phải chia theo bậc thang và có trợ giá cho các nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo người thu nhập thấp. Đối với những đối tượng có thu nhập cao hơn vẫn tính đúng tính đủ như các dịch vụ xã hội khác. Điều này dẫn đến phải chuyển sang nguồn lực để đầu tư cho thị trường tăng hơn mới thu hút được doanh nghiệp tham gia, chứ còn chúng ta vẫn giữ mức giá từ trước đến nay và không tăng giá nữa sẽ thiếu hụt nguồn lực đầu tư. Rõ ràng tiền từ ngân sách đã sụt giảm rất là nhiều, tư nhân không tham gia vào nữa thì chúng ta sẽ không có đủ nguồn.
Mấu chốt tôi nghĩ phải có luật về cấp nước, phải tạo được khuôn khổ rất rõ ràng, rành mạch thị trường và đảm bảo sự tham gia của tư nhân. Chi phí đầu tư mạng lưới cấp nước sạch là lớn nhất. Kể cả như tại Hà Nội, bây giờ nguồn cung rất lớn nhưng ở một số vùng ngoại ô như Thanh Trì, Sóc Sơn, chi phí đầu tư vào các mạng lưới rất lớn, cũng có thể sử dụng PPP ở đây. Tư nhân cũng có thể tham gia cùng với Nhà nước để đầu tư nhưng có thể chọn một số hình thức đầu tư, ví dụ như POO (xây dựng sở hữu chuyển giao sau), tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào, sẽ đảm bảo được cân đối trong thị trường nước sạch. Khi hoàn thiện, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân tốt hơn, Nhà nước trong một số mảng phân phối giữ được quyền kiểm soát của mình và qua đó kiểm soát được chất lượng nước. Tôi nghĩ sẽ có một thị trường minh bạch mang tính bền vững và dài hạn hơn.
Trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội. Tuy nhiên, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê 2019, tỉ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy chỉ chiếm 52%. Đặc biệt, tỉ lệ này ở nông thôn chỉ đạt gần 35%. Vậy vì sao việc xã hội hóa chưa thành công? Vấn đề này phải chăng do giá hay do cơ chế thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Các chính sách cổ phần hóa cho các doanh nghiệp, Nhà nước đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên trong vài năm qua, đánh giá nước là mặt hàng đặc thù nên những người làm trong ngành nước cũng có thời gian nhìn nhận lại công tác cổ phần hóa. Thực ra có nhiều ví dụ về cổ phần hóa nhà nước thành công như Công ty CP cấp nước Bình Dương, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Khi cổ phần hóa thì tất cả các chỉ tiêu đều tăng rất tốt.
Một là tăng công suất lên nhiều và nhà đầu tư có điều kiện để áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới nhằm tăng quy mô.
Hai là kiểm soát chất lượng rất tốt.
Ba là mở rộng vừng phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, cũng phải đánh giá lại công tác cổ phần hóa, nhất là trong thời buổi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa nên các nhà đầu tư nước ngoài cũng có điều kiện vào đầu tư. Cơ chế quản lý, kiểm soát các công ty cổ phần hóa này sau khi cổ phần hóa như thế nào và các cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa hết hoặc Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối để tiếp tục thực hiện thì phải còn bước dài để đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng hơn bởi nước là mặt hàng liên quan đến sức khỏe của người dân.
Tôi cho rằng hiện nay rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến vấn đề ngành nước, kể cả quy mô to hay nhỏ. Trong thị trường cấp nước, thoát nước, rất nhiều nhà đầu tư đi tìm các dự án để đầu tư và cũng huy động các kênh, nguồn vốn trong nước và ngoài nước để đầu tư. Tuy nhiên, để được một dự án đầu tư vào một khu vực nhất định thì phải trải qua nhiều thủ tục như thỏa thuận với chính quyền địa phương, với giá nước, ứng dụng công nghệ, thi công, đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư,… Tất cả những yếu tố này làm cho các nhà đầu tư có những khó khăn nhất định trong quá trình đầu tư cho các dự án.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: Việc cần thiết phải đề ra chính sách hoặc có sửa đổi luật làm sao để thu hút hơn nữa những nhà đầu tư để cấp nước cho người dân. Và chúng tôi thiên về công tác quản lý trong việc bảo đảm cấp nước an toàn cho người dân từ nguồn nước sạch vào đến vòi nước sạch cho người dân.
Như tôi đã nêu vừa nãy là những vấn đề cấp bách xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, thống nhất để làm sao quản lý được nguồn nước sạch cho người dân, bảo đảm được từ nguồn nước đến vòi nước sạch cho người dân cần có hệ thống pháp luật thông suốt, đặc biệt liên quan đến việc sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn nữa.
Theo ông, các bất cập mà ông Vĩnh vừa chia sẻ có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển, đầu tư của các DN?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Trong lĩnh vực ngành nước, có các khái niệm: Nước sạch, nước hợp vệ sinh, nước máy. Trong đó nước sạch là cung cấp cho người dân, không màu, không mùi, không vị, có những khoáng chất và chất vi sinh có lợi cho sức khỏe của con người. Do số liệu thống kê dẫn tới cách hiểu khác nhau, nhưng phải nói các chỉ tiêu của ngành nước phát triển rất mạnh.
Các doanh nghiệp trong ngành cấp nước hiện nay cũng có vướng mắc trong cơ chế cần phải tháo gỡ. Ví dụ, Nghị định 117 quy định về cung cấp nước sạch, ban hành từ năm 2007, nghị định này căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 thì đến 2015, Luật Tổ chức Chính phủ này hết hiệu lực nhưng chúng ta chưa sửa kịp Nghị định 117. Rõ ràng, cơ sở pháp lý sửa đổi Nghị định 117 liên quan tới cả ngành nước mà không sửa kịp. Lỗi này cần các cơ quan chức năng của Nhà nước phải khẩn trương sửa đổi để tạo hành lang pháp lý cho ngành nước phát triển.
Nước là mặt hàng đặc thù, vì vậy công tác đầu tư trong các doanh nghiệp cũng rất đặc thù. Ví dụ, vấn đề đầu tư, đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư thì có nhiều vấn đề vướng. Gần đây, có quyết định quy định không nâng tỉ lệ cổ phần của các doanh nghiệp cấp nước, nhưng nếu muốn mở rộng công suất thì vốn điều lệ phải tăng lên, nếu không tăng vốn điều lệ thì khả năng vay vốn và huy động vốn ở các kênh huy động vốn sẽ giảm.
Rõ ràng, phải rà soát cụ thể từng chính sách để tháo gỡ cho các doanh nghiệp cấp nước. Không chỉ liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đấu thầu mà còn liên quan đến giá nước.
Giá nước trong rất nhiều năm được quy định trong Quyết định 117 là tính đúng tính đủ. Tuy nhiên, tính đúng tính đủ trong thời buổi giá cả vật tư đầu vào, điện, hóa chất, thiết bị ngành nước đều tăng, nếu không có lộ trình để hỗ trợ ngành nước thì quy mô sẽ giảm. Doanh nghiệp cấp nước khả năng thanh toán tất cả các đầu mối cấp nước sẽ ngày càng khó.
Trước mắt, chúng ta cần sửa đổi Nghị định 117, sau đó có Luật Cấp thoát nước và có cơ chế tháo dỡ cho các doanh nghiệp ngành nước phải cụ thể, tỉ mỉ. Đội ngũ chuyên gia về ngành nước của các bộ, ngành phải ngồi với nhau để đưa ra những chính sách cụ thể tháo gỡ cho các doanh nghiệp cấp nước.
Có ý kiến cho rằng sự đầu tư phát triển thị trường thời gian qua chưa xứng với tiềm năng của chúng ta có còn nhiều bất cập. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: Việc đặt ra thu hút đầu tư trong lĩnh vực cấp nước cần xem xét, nghiên cứu trong vấn đề chính sách.
Trong khía cạnh quản lý tài nguyên, hiện nay để có một khối nước sạch đến với người dân, trách nhiệm quản lý về nguồn tài nguyên thuộc Bộ TN&MT; trách nhiệm cấp nước ở khu đô thị, theo vùng trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng; cấp nước nông thôn thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT; điều tiết giá là Bộ Tài chính; quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước sinh hoạt là Bộ Y tế.
Về cơ chế phối kết hợp trong thời gian tới, Bộ TN&MT đang được giao trách nhiệm sửa đổi Luật Tài nguyên nước làm sao đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt, trong đó có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, ngành để đảm bảo được nguồn nước sạch cho người dân, cho phát triển kinh tế-xã hội. Dự kiến năm 2023, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua luật này. Trong đó, chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách cụ thể để đảm bảo nguồn nước cũng như có cơ chế thu hút tham gia các nguồn lực với ưu tiên cao nhất.
Theo ông, sự đầu tư về nước cũng như sự phát triển của thị trường nước trong thời gian qua đã phù hợp với thị trường chưa?
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: Đối với thị trường nước sạch như kết quả nghiên cứu của chúng tôi đúng là có sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến cho tỉ lệ cung cấp nước máy, đặc biệt vùng nông thôn, thấp hơn nhiều so với đô thị. Ngay cả ở Hà Nội, dù tổng công suất nước như đại diện Sở Xây dựng nói thì tỉ lệ tiếp cận khu vực nông thôn vẫn thấp.
Có mấy nguyên nhân lớn. Thứ nhất là sự sụt giảm kinh phí đầu tư từ nguồn nhà nước, tức là ngân sách đầu tư cho dịch vụ công nước sạch của chúng ta sụt giảm. Mà nếu như ngân sách sụt giảm thì nguồn bù đắp sẽ đến từ khu vực tư nhân, tức là doanh nghiệp. Tuy nhiên thu hút đầu tư từ khu vực doanh nghiệp trong khoảng thời gian vừa rồi còn nhiều khó khăn từ cấu trúc thị trường cung cấp nước sạch chưa rõ ràng, rành mạch. Do đó việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư còn đang hạn chế. Đơn cử như các doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi họ gặp nhiều khó khăn, khi đã đầu tư rồi thì tỉ lệ thoát nước, cấp nước vào hệ thống thường không đạt được ngưỡng kì vọng. Hay các vấn đề về mặt giá cả cũng chưa được hạch toán đúng, tiến độ hạch toán tại doanh nghiệp chưa được đảm bảo… dẫn đến thị trường nước sạch dù vẫn được đánh giá là thị trường tương đối hấp dẫn, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm vào đầu tư nhưng thực tế tỉ lệ đầu tư khá thấp. Ngay cả tại Hà Nội, có dự án rất lớn là dự án nhà máy nước Sông Hồng đã khởi công từ lâu nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn chưa thể triển khai tiếp, dẫn đến là người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vẫn còn thiếu nước sạch.
Tôi đồng ý với đại diện Hội Nước sạch là năng lực của chúng ta đã tăng lên rất nhiều nhưng rõ ràng là với sức đô thị hóa và nhu cầu nước sạch lớn như vậy, kể cả phát triển khu công nghiệp, khu đô thị, phát triển nông thôn… thì vẫn còn đang chậm trễ trong các mục tiêu này. Để giải quyết vấn đề này, cần phát triển thị trường nước sạch lành mạnh, đảm bảo quyền lợi, đặc biệt cho các nhà đầu tư tư nhân, thì sẽ bù đắp được sự thiếu hụt của Nhà nước.
Là thành phố lớn bao gồm cả đô thị và vùng nông thôn, trong những năm qua, thị trường nước sạch ở Hà Nội được đầu tư thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân. Đối với Thủ đô Hà Nội, vấn đề cung cấp nước sạch cũng như là bao phủ nước sạch cho người dân, bao gồm cả đô thị và nông thôn, luôn được cả hệ thống chính trị Thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.
Trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án cấp nước sạch trên địa bàn. Thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch, trong đó có 11 dự án phát triển nguồn, 29 dự án phát triển mạng cấp nước cho toàn Thành phố.
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và chung tay của toàn xã hội; đến nay tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm, tăng khoảng 900.000 m3/ngày đêm so với năm 2016. Với tổng công suất các nguồn cấp hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% người dân khu vực đô thị và khoảng 82% nước sạch cho người dân khu vực nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có trên 253/413 xã được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung và xây dựng mạng cấp nước tập trung của Thành phố, tương đương với khoảng 82% người dân được tiếp cận hệ thống cấp nước sạch của Thành phố.
Qua chia sẻ của ông Vĩnh chúng ta thấy tỉ lệ người dân được dùng nước sạch còn chưa đồng đều. Vì sao Việt Nam là đất nước nhiều sông ngòi nhưng người dân được sử dụng nước máy chưa bao phủ hết thưa ông? Ông có thể chia sẻ về thực trạng phát triển của ngành nước thời gian qua?
Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Các văn kiện Đại hội Đảng từ 2018 đến đại hội XIII đều đề cập đến vấn đề nước sạch cho người dân, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của nước sạch. Cụ thể hóa vấn đề này, Chính phủ đã tập trung phát triển cấp nước cho cả vùng đô thị và nông thôn.
Đối với vùng đô thị có định hướng phát triển cấp nước từ năm 1998, đến năm 2009 đã sửa và năm 2016 đã có quyết định điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước khu đô thị.
Đối với khu vực nông thôn có chiến lược quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường. Từ năm 2000, có Quyết định 104 và đến năm 2021 mới đây, Thủ tướng ban hành Quyết định 978, trong đó quy định các cơ chế, mục tiêu cụ thể với ngành cấp nước cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.
Về cấp nước, hiện nay có khoảng 250 doanh nghiệp cấp nước đô thị, trong đó có 50% chuyển từ công ty trách nhiệm một thành viên sang công ty cổ phần, có 8 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình trách nhiệm một thành viên. Tổng số hơn 750 nhà máy nước sạch khu vực đô thị và nông thôn có tổng công suất 11,2 triệu m3. Tỉ lệ dân cư được cung cấp nước sạch là 92%, tỉ lệ thất thoát hơn 17%. Nếu so với 30 năm trước, năm 1988, tổng công suất cấp nước phạm vi cả nước là 1,67 triệu m3 mà bây giờ là 11,2 triệu m3, gấp gần 10 lần. Phạm vi cấp nước của khu vực đô thị tăng 2 lần, tỉ lệ thất thoát từ 40% xuống còn hơn 17%. Nếu nhìn tổng thể ngành nước thì lạc quan hơn, đó là ngành nước có sự phát triển vượt bậc và mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phát triển đất nước.
Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa đạt được yêu cầu, đặc biệt là chất lượng nước hoặc vùng phục vụ chưa bao quát đầy đủ. Tỉ lệ, thời gian cung cấp nước sạch cho người dân cũng chưa đáp ứng nhu cầu, mục tiêu chiến lược đề ra.
Việc này do nhiều nguyên nhân, chúng tôi nghĩ đầu tiên trong thể chế chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể. Chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho đấu thầu, chính sách cổ phần hóa, chính sách thu hút công nghệ xử lý nước sạch vẫn còn bất cập. Việc này Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo, trong đó Chính phủ đã có Nghị quyết giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đối với vấn đề cấp thoát nước. Vì vậy, những vấn đề về văn bản, quy phạm pháp luật của vấn đề cấp thoát nước trong thời gian tới sẽ được giải quyết.
Hiện tại tỉ lệ hộ dân có thể tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%, có 22,8% hộ sử dụng nguồn nước giếng khoan. Như vậy chưa đạt mục tiêu đề ra của Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025. Vì sao con số này lại thấp như vậy thưa ông?
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Theo số liệu thống kê của chúng tôi, hiện nay cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt là 87% và nước ngầm là 13%. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quản lý về nguồn.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT đối với cấp nước đô thị và nông thôn vừa rồi, con số này chiếm 80% người dân đô thị được tiếp cận nước sạch, 62% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch, con số có thể vênh do cách thống kê như MC nêu ra. Theo ngành nông nghiệp, họ có thể tính con số theo cách nước hợp vệ sinh…
Về góc độ Bộ TN&MT, chúng tôi cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Với cấp nước đô thị, do dân số tăng, nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, hệ thống cấp nước đô thị có nhiều khó khăn trong đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân. Đặc biệt, những đô thị lớn và lâu có tình trạng hệ thống cấp nước có sự suy giảm, sự phát triển về mặt đường ống cấp nước, phải có cơ chế tập trung đẩy mạnh. Đơn cử là chúng ta đang có sự đô thị hoá rất nhanh, tuy nhiên chức năng quản lý là ngành xây dựng quản lý cấp nước đô thị, ngành NN&PTNT quản lý cấp nước nông thôn. Lúc triển khai ra thực tế, nhiều địa phương ở xã lên phường nên do chưa rõ trách nhiệm cấp nước đô thị hay nông thôn. Ví dụ như Xuân Phương trước thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, trước đây có hệ thống cấp nước tương đối tốt theo hiện trạng cấp nước tập trung nông thôn, khi lên phường thì Công ty cấp nước Hà Nội kéo đường ống đến, nhiều khi có cả tình trạng chồng lấn đường ống.
Ngoài ra, còn vấn đề giá nước và thói quen sử dụng nước của người dân, đặc biệt là người dân nông thôn. Nếu để đủ chi phí vận hành, giá nước phải ở một mức nhất định. Người dân có thói quen sử dụng nước hợp vệ sinh nhưng theo hành vi, thói quen của gia đình như nước giếng khoan, nước mưa… nên có những yếu tố chưa đảm bảo chất lượng.
Theo: baochinhphu.vn