Thị trường nước sạch - Khó thu hút doanh nghiệp vì thiếu khung chính sách

Thứ tư | 27/04/2022

Thiếu vắng khung chính sách, pháp lý đối với thị trường nước sạch khiến doanh nghiệp lo ngại tham gia thị trường, không thể hoặc không dám làm. Đây là vấn đề được đại diện doanh nghiệp cùng các chuyên gia nêu tại tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách”, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyề

Thị trường nước sạch - Khó thu hút doanh nghiệp vì thiếu khung chính sách

Thị trường nước sạch - Khó thu hút doanh nghiệp vì thiếu khung chính sách

“3 năm trước, khi nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, chúng ta đã xới xáo vấn đề về thị trường nước. Báo Đại biểu Nhân dân khi đó cũng tổ chức tọa đàm về thị trường nước sạch nhưng đến giờ, mọi thứ… vẫn y nguyên”, Viện trưởng IPS Nguyễn Quang Đồng bình luận.

Sự “vẫn y nguyên” được ông Đồng dẫn giải từ chính cấu trúc thị trường, giá nước. Cụ thể, nước sạch là dịch vụ công thiết yếu nên phải bảo đảm 3 nguyên tắc: quyền tiếp cận của người dân (phải đủ nước cho người dân dùng), tính liên tục (không để xảy ra tình trạng mất nước), giá cả phải chấp nhận được. Với đặc điểm này, thị trường nước sạch thường do Nhà nước kiểm soát. Hiện, Việt Nam đã cho phép tư nhân tham gia cung cấp và phân phối nước sạch song lại không có phân định rõ ràng giữa công - tư nên nhiều địa phương đang bị rối.

Cần có luật riêng về nước sạch để thu hút tư nhân tham gia đầu tư
Nguồn: TTXVN

Cần có luật riêng về nước sạch để thu hút tư nhân tham gia đầu tư
Nguồn: TTXVN
Nan giải bài toán giá cả và thu hút tư nhân

Về giá cả, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương nhưng không vượt quá khung mà Bộ Tài chính quy định. Vì vậy, giá nước tại các địa phương là khác nhau. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt còn thấp và ít được điều chỉnh. 10 năm qua, trong khi giá điện 9 lần điều chỉnh thì giá nước gần như rất ít biến động, cá biệt tại Hà Nội hầu như không điều chỉnh.

“Đang có một nghịch lý là nếu không điều chỉnh giá nước thì doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch”, ông Đồng đặt vấn đề.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam cho rằng, cơ chế giá nước sinh hoạt bất cập, chưa tính đúng tính đủ khiến doanh nghiệp không vững về tài chính và khó mở mang đầu tư. Thực tế, thị trường nước sạch trong 20 năm qua phát triển rất tốt. Tuy vậy, công nghệ hiện còn lạc hậu. “Đa phần ta khử trùng nước bằng clo, đây là cách làm của những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Bây giờ thế giới dùng ozone và tia cực tím rồi”. Như vậy, nếu không đủ chi phí, không có lợi nhuận thì doanh nghiệp không thể đầu tư, và tạo thành vòng luẩn quẩn: thiếu nước, chất lượng nước không đạt yêu cầu.

Góp ý cụ thể, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, theo thông lệ quốc tế, đối với dịch vụ “bán công” như cung cấp nước sạch, cơ quan nhà nước phải cam kết mức lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp; đồng thời sử dụng cơ quan kiểm toán hoạt động độc lập để bảo đảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp là chính xác. Ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh, khi chính quyền đã ký hợp đồng mua nước với doanh nghiệp thì phải tôn trọng thực hiện hợp đồng. Ngành nước cần nhìn bài học của dự án PPP trong lĩnh vực giao thông, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực hiện đúng hợp đồng, gây thiệt hại tài chính cho doanh nghiệp, khiến thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án giao thông ngày một khó khăn.

Đánh giá tổng thể để ban hành luật riêng

Đánh giá của IPS dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019 cho thấy, hiện chỉ có khoảng 84% dân cư đô thị và khoảng 35% dân cư nông thôn tiếp cận được nước máy - nguồn nước sạch và an toàn theo tiêu chuẩn. Điều này cho thấy Việt Nam chưa đáp ứng được tốt quyền tiếp cận nước sạch cho người dân nói chung và tình trạng bất bình đẳng về sử dụng nước máy giữa khu vực nông thôn và thành thị là rất đáng lưu tâm.

Để mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước cho người dân, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, thu hút đầu tư tư nhân là cần thiết. Tuy nhiên, để tư nhân tham gia, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Hiện chỉ có Nghị định 117/2007/NĐ-CP điều chỉnh trực tiếp vấn đề quản lý cung cấp, khai thác nguồn nước, như vậy chưa đủ “tầm”.

Ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội xác nhận, sự thiếu rõ ràng trong khung chính sách, pháp lý khiến doanh nghiệp muốn làm nhưng không thể làm, thậm chí là không dám làm. Đơn cử, Nghị định 117/2007/NĐ-CP quy định, khu vực chưa có đơn vị cấp nước thì sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cấp nước. Tuy vậy, Luật Đầu tư công lại không hướng dẫn đấu thầu với dự án cấp nước. Trong trường hợp chỉ định thầu, cơ quan quản lý cũng “chùn tay”. Bởi vậy, 2 năm nay, 18 xã của huyện Sóc Sơn và 2 xã của huyện Đông Anh vẫn chưa có nước sạch, dù Công ty rất muốn làm nhưng không thể làm được!

Chia sẻ với ý kiến này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có một luật riêng để điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả xử lý nước sinh hoạt để tạo khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch. Nếu không rất khó đạt được mục tiêu 95 - 100% dân cư thành thị và 93 - 95% dân cư nông thôn được tiếp cận nước sạch vào năm 2025 mà Nghị quyết 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đặt ra.

Trước mắt, theo ông Đồng, cần đánh giá lại toàn diện thị trường và bắt tay ngay trong việc xây dựng chính sách cùng quy định pháp lý. “Tiến trình này nên gắn với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng đang triển khai”, ông Đồng đề xuất.

“Một mét khối nước giá 5.900 đồng là dưới giá thành sản xuất”

Tại tọa đàm, ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội đưa ra một số lý giải về việc chỉ có 35% người dân nông thôn ở Hà Nội được tiếp cận nước sạch, thấp hơn nhiều địa phương khác.

Cụ thể, ở nông thôn, mật độ dân số thưa và xa nên đường ống dẫn nước dài, đồng nghĩa với chi phí lớn. Tuy nhiên, lượng nước sử dụng của người dân ở nông thôn thường thấp. Thực tế một số doanh nghiệp đã đầu tư ở nông thôn, sau đó phải dừng vì người dân tiết kiệm, chỉ sử dụng nước sạch để ăn uống; còn phục vụ những mục đích khác thì họ dùng các nguồn khác.

Đối với Hà Nội, chính sách giá nước là giá lũy tiến. Nếu sử dụng dưới 10m3 giá chỉ 5.973 đồng/m3 và mức giá này là dưới giá thành sản xuất. Như vậy doanh nghiệp chưa bán đã lỗ (khi người dân nông thôn chủ yếu dùng dưới 10m3/tháng - PV). Đó là lý do vì sao người dân nông thôn không có cơ hội tiếp cận nước bằng đô thị. “Đầu tư thì phải có lợi nhuận, kể cả tư nhân. Còn doanh nghiệp nhà nước thì lãnh đạo phải có trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước. Nếu đầu tư vào khu vực chưa đầu tư đã biết lỗ thì doanh nghiệp có cách nào để đầu tư? Đây chính là lỗ hổng chính sách”, ông Đức nhấn mạnh.

Để tính đúng, tính đủ giá nước, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết, kinh nghiệm của các quốc gia là sử dụng cơ quan kiểm toán hoạt động độc lập để bảo đảm chi phí đầu tư của doanh nghiệp là chính xác.

Theo:daibieunhandan.vn

Bài đã đăng