TTTĐ - Hà Nội hiện đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Để tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Dẫn đầu cả nước
Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm tăng 7,35%; Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 10,7%; Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 12,45 tỷ USD, tăng 20,4%; Hà Nội đón 21,55 triệu lượt khách du lịch, tăng 9,5%...
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng 10,3%). Đã phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn 65 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn 34,35 nghìn tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 6,23 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước, lũy kế tổng vốn FDI đăng ký đến nay đạt 41,3 tỷ USD (vốn thực hiện 24,9 tỷ USD, đạt 49,7%). Cấp đăng ký kinh doanh 20.562 doanh nghiệp, vốn đăng ký 263,78 nghìn tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp, tăng 28% về vốn đăng ký). Lũy kế tổng số doanh nghiệp đến nay là 273.734 doanh nghiệp.
Nếu như trong năm 2018, Hà Nội có dự án đầu tư mua sắm và vận hành hệ thống kỹ thuật, thiết bị, công nghệ, phần mềm và kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán Vietlott (210 triệu USD); dự án Công ty Vietnamobile tăng vốn (208 triệu USD); dự án Ngân hàng Public Việt Nam (134 triệu USD); dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) 300 triệu USD của Samsung...
Từ đầu năm 2019 đến nay, nếu "điểm danh" các dự án FDI quy mô lớn đăng ký vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, Hà Nội có rất nhiều dự án lớn như: Aeon MALL Hà Đông, với vốn đầu tư đăng ký 192,51 triệu USD; dự án tăng vốn đầu tư 319,8 triệu USD của Coca-Cola Việt Nam và dự án Park City 72 triệu USD.
Phối cảnh của dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD ở Đông Anh, Hà Nội
Đặc biệt, Hà Nội đã khởi động "siêu dự án" thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội do Nhật Bản đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,14 tỷ USD. Đây là một trong những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.
Mới đây, Tập đoàn AquaOne đã khánh thành phân kỳ 2 giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Ðuống - dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền bắc. Ðồng thời, Tập đoàn AquaOne vinh dự nhận bằng chứng nhận Công trình kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho dự án này. Với tổng diện tích 65 ha, Nhà máy nước mặt sông Ðuống có mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn xã hội hóa, chia làm hai phân kỳ.
Trong đó, phân kỳ 2 có công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho khoảng ba triệu người dân Hà Nội và một số địa phương phụ cận như: tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên..., từng bước thay thế việc sử dụng nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Nhà máy nước mặt sông Ðuống - dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền bắc của Tập đoàn AquaOne vinh dự nhận bằng chứng nhận Công trình kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đánh giá, đây là công trình tiêu biểu cho hình thức hợp tác công - tư, liên danh giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư, sự ủng hộ của người dân đã giúp dự án về đích đúng hạn. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho chủ đầu tư nâng công suất nhà máy lên 600 nghìn m3/ngày đêm vào tháng 10 - 2023.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Để đạt kết quả trên, Hà Nội đã đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
Cụ thể, hiện quy hoạch thành phố cơ bản ổn định và được công bố công khai trên mạng. Trên cơ sở đó, hàng năm thành phố tổng hợp đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, Từ đó, qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, Hà Nội công bố công khai danh mục kêu gọi đầu tư.
Những trường hợp tổ chức đấu thầu đều được tổ chức công khai, lựa chọn nhà đầu tư. Tất cả các thủ tục hút đầu tư được giải quyết rất nhanh, gọn theo đúng quy định nhằm tạo điều kiện tối đa để triển khai.
Sở KH&ĐT được thành phố giao tiếp nhận, giải quyết các thủ tục về đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai. Các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cập nhật, theo dõi tình hình thực hiện thông qua hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố. Đây là bước đột phá để giúp cho TP. Hà Nội thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn...
Thành phố cũng đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như các hoạt động đối ngoại, văn hóa, ẩm thực. Trong đó, thành phố xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm là: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; chọn lựa các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của Hà Nội. Cùng với đó, thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch - là cơ quan chuyên trách thực hiện các hoạt động trên...
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: "Hà Nội xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế... Do đó, thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô.
Theo đó, vốn FDI sẽ ưu tiên thu hút dự án vào lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ chất lượng cao… "
Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và an sinh xã hội, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh, đầu tư công viên, khu vui chơi giải trí; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn.
Thời gian tới, TP Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phải phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được lợi thế của Thủ đô.