Cập nhật: 18:24 | 14/11/2019
TBCKVN - Câu chuyện đầu tư tại dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đang làm “nóng” dư luận những ngày gần đây. Hàng loạt vấn đề được đặt ra: “Hà Nội ưu ái cho dự án”, “người dân phải gánh lãi suất tiền vay”, “người dân phải mua nước giá cao”... Xét về hoạt động đầu tư, có lẽ, Shark Liên và nhiều doanh nghiệp tư nhân đang tham gia mô hình đầu tư PPP cần được nhìn nhận một cách công bằng hơn.
Nhà máy nước mặt sông Đuống với công suất 900.000m3/ngày, đêm vào năm 2030 |
Đầu năm 2017, TP. Hà Nội phát đi thông báo lựa chọn nhà thầu cho Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Mục tiêu của dự án là đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực đông bắc và phía nam TP. Hà Nội), các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179, một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao. Phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 công suất đạt 600.000 m3/ ngày, đêm và năm 2030 công suất đạt 900.000 m3/ ngày, đêm..
Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050... Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 5.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống (gồm 5 cổ đồng, trong đó công ty cổ phần nước sạch Aqua one của bà Đỗ Thị Kim Liên - còn được gọi với cái tên Shark Liên- chiếm 58%) là doanh nghiệp trúng thầu.
Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống phải có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn cho dự án. Doanh nghiệp này đã bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng, phần còn lại được ngân hàng tài trợ vốn. Trông giỏ bỏ thóc, phía ngân hàng hẳn nhiên phải xác định được khả năng trả nợ từ dự án, phần này được đảm bảo bằng doanh thu của nhà máy khi đi vào hoạt động. Tất cả được công khai, minh bạch theo Luật Đầu tư.
Câu hỏi đặt ra mà dư luận đang thắc mắc: Tại sao đơn giá bán nước lên tới 10.246 đồng/m3? Tại sao TP. Hà Nội phải trợ giá cho từng m3 nước? Và tại sao giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cao hơn của Nhà máy nước sạch sông Đà? Thậm chí, có ý kiến còn đặt vấn đề: Không thể có sự cách biệt về giá nước giữa phía Tây và phía Đông thành phố.
Hãy nghe Shark Liên giải thích:
"Giá 10.246 đồng là giá TP Hà Nội tạm tính để chúng tôi có điều kiện để thực hiện vay ngân hàng. Với giá đó, tổng mức đầu tư của dự án là gần 5.000 tỉ đồng, các nhà tư vấn đã tính toán rất kỹ cùng với TP. Hà Nội, Sở Tài chính thì mới ra được giá 10.246 đồng.
Câu chuyện về giá được cấu thành bởi tổng mức đầu tư, trong khi đây là dự án đầu tư lớn, số vốn vay cũng rất lớn. Kể cả nhà đầu tư, tư vấn, ngân hàng nếu dự án không minh bạch thì không ngân hàng nào bỏ tiền cho vay, giải ngân và ngân hàng giải ngân theo tiến độ của dự án chứ không phải đưa một lúc mấy nghìn tỉ cho nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Tôi tự hào về tính minh bạch của dự án này, thậm chí chúng tôi mời cả kiểm toán nhà nước vào vì tôi cũng muốn nhanh để còn lấy tiền trả cho ngân hàng chứ. Tôi rất cần kiểm toán nhà nước vào.
Nếu so sánh với nhà máy nước sông Đà thì rất khập khiễng vì dự án sông Đà đã đi vào khai thác được hơn 10 năm, thứ nhất tổng mức đầu tư thấp hơn, thứ hai là đã khai thác được hơn 10 năm, khấu hao đã hết, đương nhiên họ có lợi nhuận và có giá thấp hơn nhà máy nước mặt sông Đuống. Cái khác biệt lớn nhất trong sản xuất nước là công nghệ, công đoạn xử lý làm sao ra giọt nước cuối cùng phải không mùi, không vị, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Dự án của chúng tôi là mới, công nghệ châu Âu, các quy trình được khép kín toàn bộ bằng rô-bốt, tự ngắt, tự xúc xả khi có sự cố, không cần phải có bàn tay của con người. Ví dụ có ai đó đổ dầu tại sông Đuống, không bao giờ có mùi dầu ra được bên ngoài. Còn về công nghệ, phải lọc nước chuẩn thì mới có được nước thực sự sạch. Tôi cam kết và đảm bảo nước uống được tại vòi, đạt tiêu chuẩn của châu Âu, sạch hơn cả nước suối đóng chai.
Một vấn đề khác cũng liên quan đến giá cao là đường ống, đường ống nhà máy nước mặt sông Đuống kéo dài hàng trăm km, đi qua ra 3 con sông, tốn rất nhiều tiền. Câu hỏi đặt ra là chúng ta quan tâm đến chất lượng hay về giá, một chai nước suối nhỏ cũng đã 5.000-6.000 đồng rồi, đây cả mét khối nước chất lượng hơn nước đóng chai, giá hơn 10.000 đồng. Thực tế hiện nay chúng tôi đang bán buôn, đâu bán trực tiếp cho người dân. Chúng tôi bán 10.000 đồng cho công ty nước thì công ty nước bán lại cho dân, bán bao nhiêu đó là chuyện của đơn vị bán lẻ.
TP. Hà Nội trợ giá cũng là trợ giá cho dân chứ không phải trợ giá cho Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống. Giá 10.246 đồng là giá thành phố thoả thuận để chúng tôi đầu tư, nếu không làm sao chúng tôi dám đầu tư lớn đến gần 5.000 tỉ đồng. TP. Hà Nội mua giá hơn 10.000 đồng/m3, nếu Hà Nội đang bán cho người dân giá ví như hơn 5.000 đồng/m3 thì thành phố phải bù cho người dân thì ở đây là người dân hưởng. Hà Nội tạm tính cho chúng tôi hơn 10.000 đồng/m3 thì đã tính tất cả các chi phí, chỉ cho chúng tôi lợi nhuận chút ít để trả lãi cộng với vận hành nhà máy.
Khi kinh doanh thì đương nhiên có lợi nhuận để duy trì công ty hoạt động. Đương nhiên khi Hà Nội định ra giá tạm tính 10.246 đồng thì chúng tôi có lợi nhuận chứ không phải không có, nhưng lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ”.
Shark Liên - người có vai trò lớn cho sự hình thành dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống |
Ý nghĩa của dự án gần 5.000 tỷ đồng
Vậy là đã rõ, việc TP. Hà Nội trợ giá cho dự án là trợ giá cho người dân. Hiểu một cách đơn giản: Muốn có dự án nước sạch tiêu chuẩn châu Âu có thể uống ngay tại vòi thì phải có tiền đầu tư. Khi doanh nghiệp tự thu xếp vốn thì theo hợp đồng đã ký kết với thành phố, việc trợ giá để bù đắp chi phí đầu tư là điều bắt buộc trong hợp đồng.
Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư là như vậy. Trong tình hình nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam nói chung và mỗi địa phương nói riêng là rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước thì có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp, mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có khả năng như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong tình hình hiện nay.
PPP (Public - Private Partner) là việc Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở Hợp đồng dự án. Với mô hình PPP, Nhà nước sẽ thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân. Không có một thành phố, quốc gia nào có thể đủ nguồn lực để đầu tư công tất cả cơ sở hạ tầng. Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng giống như hàng nghìn dự án khác với nguồn vốn đầu tư khổng lồ, đều trông chờ vào hoạt động đầu tư PPP.
Hãy làm một phép so sánh, tổng kinh phí xây dựng cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng là 5.500 tỷ đồng. Mỗi khi khánh thành một cây cầu bắc qua sông Hồng, người dân biểu hiện sự hân hoan lớn còn công trình ấy được coi như biểu tượng, dấu ấn phát triển mới của thành phố. Ấy vậy mà, khi một dự án nước sạch đi vào hoạt động đã không có được sự đón nhận tương xứng.
Để làm được một công trình như cầu Vĩnh Tuy, TP. Hà Nội, Bộ GTVT phải huy động nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn vay. Để xã hội phát triển, hạ tầng phải hoàn thiện và đồng bộ nhưng ngân sách không phải lúc nào cũng đáp ứng yêu cầu thực tế. Đó là lý do chính khiến cơ sở hạ tầng ở Việt Nam còn rất thiếu. Nhà máy nước mặt sông Đuống cần được hiểu là một dự án hạ tầng phục vụ an sinh xã hội. Tầm quan trọng của nó chẳng kém gì cây cầu bắc qua sông Hồng. Với hàng trăm km đường ống bắc qua 3 con sông, đủ để thấy quy mô của dự án lớn như thế nào.
Được biết, Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt dự án nước sạch khác. Nhà máy nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống chưa thể đủ cấp cho hơn 8 triệu dân thành phố. Hà Nội vẫn cần những doanh nghiệp như Aqua của Shark Liên đầu tư vào loại hình này. Hãy lắng nghe lời tâm sự của Shark Liên: “Chúng tôi có công mà như tội đồ”. Có lẽ, việc nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp của bà “trục lợi” từ dự án thực sự đã làm doanh nhân này phiền muộn.
Nguyễn Thạch Trí Vĩnh