13:30 - 30/10/2019
Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt sông Đuống (thuộc Tập đoàn AquaOne), dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn bậc nhất miền Bắc với công suất giai đoạn 1 đạt 300.000 m3 ngày/đêm.
Và đây cũng là nhà máy nước sạch quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65 ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỉ đồng.
Công nghệ châu Âu
Nhà máy được vận hành tự động hóa hoàn toàn, áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến nhất trên thế giới, thiết bị sử dụng có xuất xứ từ G7 và châu Âu đảm bảo hiệu suất cao; vận hành ổn định; tuổi thọ lâu dài và tiết kiệm năng lượng. Nhà máy còn ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường: Đảm bảo chỉ số thất thoát nước thô < 1%, sử dụng hệ thống đèn LED, lắp đặt cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa hệ thống thông gió tự nhiên. Tháng 9.2019, nhà máy đã nhận chứng chỉ sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC - thành viên Ngân hàng Thế giới.
|
Theo đó, nước thô từ nguồn nước sông Đuống vận chuyển qua tuyến ống đường kính 1.600 mm, chiều dài 1 km về nhà máy xử lý nước hoặc hồ sơ lắng. Tại công trình thu, nhà máy lắp đặt hệ thống kiểm soát chất lượng nước (đo COD; độ đục; độ pH…) truyền các tín hiệu cập nhật 15 phút/lần về khu điều khiển trung tâm. Nước thô đồng thời được dẫn trực tiếp về phòng thí nghiệm tiêu chuẩn của nhà máy để kiểm tra mỗi giờ.
Nước thô trước khi được đưa vào khu xử lý đã được kiểm soát chất lượng thông qua hệ thống giám sát online. Trong trường hợp cần thiết sẽ bổ sung chất ô xy hóa để xử lý rong tảo, một phần chất ô nhiễm trước khi đưa sang bước xử lý tiếp theo.
Hồ sơ lắng với dung tích 650.000 m3 có chức năng lắng sơ bộ khi nguồn nước sông Đuống có lượng cặn cao hơn thông số thiết kế. Nước sau lắng từ hồ sẽ được bơm lên dây chuyền xử lý nước liên hoàn. Hồ sơ lắng được thiết kế là hồ độc lập của nhà máy, còn có chức năng là nguồn nước dự trữ nếu nguồn nước đầu vào không đảm bảo. Hồ được phân khu độc lập tách biệt với khu dân cư và các khu vực lân cận; được bảo vệ tuyệt đối, giám sát 24/7.
Nước thô được bơm lên ngăn tiếp nhận và được dẫn về 2 bể trộn hóa chất sử dụng phèn nhôm và polyme có chức năng tạo bông cặn trợ lắng tại các bể phản ứng, sau đó dẫn sang bể lắng lamella sử dụng các tấm lắng nghiêng 55 độ để loại bỏ hàm lượng cặn. Nước sau khi qua bể lắng sẽ được thu bằng hệ thống máng thu nước bề mặt, đạt chỉ tiêu độ đục ≤ 10 NTU trước khi dẫn sang bể lọc.
Bể lọc nhanh trọng lực gồm 2 lớp vật liệu lọc (cát và anthracite) có chức năng loại bỏ hoàn toàn hàm lượng cặn, các chất bẩn để đạt chỉ tiêu độ đục ≤ 0.5 NTU, cho phép kiểm soát và hấp phụ các thành phần hữu cơ; giảm mùi có trong nước nguồn, đảm bảo nước sau lọc đạt đủ các yêu cầu về chất lượng. Nước sau lọc được châm clo khử trùng và dẫn vào bể chứa nước sạch có dung tích 30.000 m3. Nước tại bể chứa nước sạch đạt các yêu cầu theo QCVN01-1:2018/BYT; QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành trước khi được bơm phân phối qua hệ thống tuyến ống truyền tải cho các khu vực dùng nước.
Nước xả bùn bể lắng/rửa lọc sau quá trình xử lý nước sẽ được thu hồi và xử lý sử dụng lại. Bùn thải từ quá trình lắng được kiểm soát và xả liên tục trong ngày đảm bảo việc xả bùn ra khu xử lý bùn độc lập, không gây ảnh hưởng đến chất lượng nước. Tại khu vực xử lý, bùn được tách nước, làm khô bằng hệ thống ép bùn và vận chuyển theo quy định.
Ngưng nhận nước thô từ sông Đuống
Bà Đỗ Thị Kim Liên, cho biết với các sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu vào, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ ngưng nhận nước thô từ sông, sử dụng nguồn nước dự trữ tại hồ sơ lắng để sản xuất nước sạch trong thời gian xử lý nguồn nước.
Nước tại nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy trình kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, khép kín từ công đoạn khai thác nước thô đến các quy trình lắng lọc và khử trùng trước khi phân phối sử dụng thông qua hệ thống điều khiển trung tâm SCADA. Tại đây, nhân viên vận hành giám sát trực tiếp 24/7 các thông số vận hành/chất lượng nước/kiểm soát an toàn/bảo đảm an ninh.
|
Mọi chỉ số và mẫu nước của từng giai đoạn đều được lấy theo thời gian thực để đảm bảo chất lượng. Khi có vấn đề phát sinh, hệ thống sẽ tự động cảnh báo, cô lập các khu vực bất thường để xả, sục, rửa, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn thực hiện của tất cả các khâu và đặc biệt là chất lượng nước đầu ra.
Nhà máy có phòng thí nghiệm tiêu chuẩn kiểm soát 15 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời chất lượng nước được giám sát 2 giờ/lần và liên tục 24/7. Hằng tuần, nước được Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hà Nội xét nghiệm kiểm tra độc lập và kiểm tra định kỳ từ Sở Y tế Hà Nội theo quy định.
Toàn bộ khu vực nhà máy và quy trình sản xuất được bảo vệ chặt chẽ và giám sát 24/7 để đảm bảo mức độ an toàn tuyệt đối cho việc vận hành và chất lượng nước đầu ra.
Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, sau giai đoạn 1, nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội. Không chỉ có vậy, nhà máy còn cung cấp cho một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… và dần thay thế nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm. Được biết, nhà máy được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499 của Thủ tướng Chính phủ và quyết định chủ trương đầu tư số 2869 của UBND TP.Hà Nội. Đây đồng thời là công trình gắn biển kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2019).