Nhà máy Nước mặt sông Đuống (NMNM sông Đuống) là dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc đã chính thức phát nước phục vụ nhân dân. Đây là công trình trọng điểm của Hà Nội đã được gấp rút hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2018). Việc đưa vào vận hành Nhà máy (giai đoạn 1) sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung nước sạch cho người dân, nhất là vào những tháng cao điểm.
NMNM sông Đuống có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179 và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên…) và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.
Theo ông Đỗ Văn Định – Giám đốc dự án NMNM sông Đuống, công trình được ghi nhận với những kỷ lục đáng tự hào, đó là kỷ lục về tiến độ xây dựng: Chỉ trong 15 tháng đã hoàn thành giai đọạn 1, bảo đảm công suất phát nước là 150.000 m3 nước/ngày đêm theo đúng chuẩn cao nhất hiện hành của Việt Nam và Quốc tế. Cùng với đó là kỷ lục về thi công tuyến ống: Đã hạ thủy thành công hơn 300m tuyến ống qua lòng sông Đuống, đưa tổng chiều dài tuyến ống đã thi công trong giai đoạn 1 là hơn 63 km với đường kính ống lớn nhất Việt Nam hiện nay lên đến 1,8m. Kỷ lục về công suất nhà máy: Giai đoạn 1 đã hoàn thành với công suất 150.000 m3 nước/ngày đêm; Giai đoạn 2 đến tháng 10/2019, công suất đạt 300.000 m3/ngày đêm; Giai đoạn 3 đến năm 2023, quy mô cấp nước của nhà máy sẽ đạt công suất 600.000 m3/ngày đêm và 900.000m3/ngày đêm trong tương lai.
Toàn cảnh Nhà máy |
Cũng theo Giám đốc dự án NMNM sông Đuống, nhà máy được thiết kế vận hành tự động hóa hoàn toàn và áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến nhất trên thế giới với công nghệ xuất xứ từ Châu Âu cho hiệu quả xử lý cao nhất. Đó là tái sử dụng nước sản xuất và không xả thải ra môi trường, thiết bị có chất lượng, đảm bảo hiệu suất cao, vận hành ổn định, tuổi thọ lâu dài và tiết kiệm năng lượng.
Đây cũng chính là dự án đã tập hợp những nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thi công đường ống, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý dự án hàng đầu thế giới cùng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, hệ thống thiết bị công nghệ, máy móc và vật liệu tiên tiến nhất cũng được đáp ứng tối đa để phục vụ cho dự án.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 1, khởi công giai đoạn 2 NMNM sông Đuống, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, thành phố đã xác định công tác phát triển hệ thống nước sạch là một khâu ưu tiên, đột phá nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Với mục tiêu cụ thể hóa đồ án quy hoạch cấp nước Thủ đô, UBND Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án NMNM sông Đuống sông Đuống với quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên,…
Thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, công trình NMNM sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận. Góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước và tình trạng ô nhiễm môi trường sống do nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.
“Lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 công trình NMNM sông Đuống ngày hôm nay khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống nước sạch. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét cho những cam kết, nỗ lực của thành phố trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Nhằm phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư dự án, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan của thành phố, hướng dẫn các đơn vị cấp nước bán lẻ thực hiện đấu nối chuyển nguồn từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống trong phạm vi cấp nước của Dự án. Xây dựng phương án giá bán nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Kiểm tra đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm hoàn thành giai đoạn 2 của Dự án.
UBND huyện Gia Lâm hỗ trợ chủ đầu tư đẩy nhanh triển khai các dự án; tiếp thu, giải quyết những kiến nghị của người dân, nhà đầu tư trên địa bàn liên quan đến dự án… Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án giai đoạn 2 nâng công suất lên 300.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn cấp nước cho khu vực nội đô, khu vực phía Đông Bắc và phía Nam thành phố đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nâng công suất nhà máy lên 900.000m3/ngày đêm để triển khai thực hiện theo quy hoạch cấp nước. Các công ty cấp nước trong phạm vi cấp nước của NMNM sông Đuống phối hợp với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống thực hiện việc đấu nối chuyển nguồn từ nguồn nước ngầm sang nguồn nước mặt sông Đuống nhằm đảm bảo cho nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch.
BOX: Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi khởi công, Dự án đã hoàn tất việc giải phóng mặt bằng với tổng diện tích rộng 61,5 ha thuộc địa bàn 2 xã Phù Đổng và Trung Màu của huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội; đồng thời, khẩn trương tiến hành đào - bóc, vận chuyển khoảng 110.000 m3 đất màu và bắt đầu quá trình thi công xây dựng Nhà máy.
Tổng chiều dài tuyến ống truyền dẫn cấp 1 của Nhà máy lên đến 76 km, đường kính ống lớn nhất 1800mm, hình thành một mạng lưới dẫn nước rộng khắp tới 168 xã phường của Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Giai đoạn 1A đã hoàn thành mạng lưới hơn 63 km tuyến ống.
Tuấn Dũng