QĐND Online - Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Phù Đổng, Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn AquaOne, thường gọi là Nhà máy nước mặt sông Đuống) đang thực hiện đấu nối nước sạch vào hệ thống đường ống dẫn nước của Công ty TNHH Nước sạch Hùng Thành-Phù Đổng; dự kiến trước ngày 10-10-2019, người dân sẽ được dùng nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Công nhân Nhà máy nước mặt sông Đuống vận hành hệ thống lọc nước. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân biết, toàn xã có hơn 4.000 hộ dân, đến nay mới có khoảng 1.500 hộ sử dụng nước sạch. Trước đó, vào năm 2001, công trình trạm cấp nước cho người dân xã Phù Đổng được khởi công với tổng mức đầu tư gần 4,46 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: một cụm giếng khoan và bơm khai thác công suất 120m3/giờ/giếng; cụm xử lý nước 1.440m3/ngày-đêm (gồm một tháp cao tải, một bể lắng, 3 bể lọc); bể chứa 200m3; nhà điều hành (bao gồm: một phòng làm việc, một phòng bơm cấp 2, một phòng khử trùng); đường trục chính và đường nhánh.
Đến tháng 12-2001, trạm cấp nước xã Phù Đổng hoàn thành và được bàn giao cho UBND xã quản lý, sử dụng. Nhưng trạm này chỉ duy trì hoạt động được hơn một năm vì chỉ phục vụ cho hơn 100 hộ dân và bị bỏ hoang hơn chục năm. Sau đó, trạm cấp nước sạch này được giao cho Công ty TNHH Nước sạch Hùng Thành-Phù Đổng quản lý, vận hành. Đơn vị này đã đầu tư để sục rửa, lắp đặt đường ống chi tiết, cấp đồng hồ nước cho người dân và vận hành trạm, cung cấp nước sạch cho các hộ dân theo giá quy định của TP Hà Nội từ năm 2015 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Hưng, cho biết thêm: “Mặc dù có nước sạch nhưng vì nhiều lý do và thói quen, hầu hết các hộ dân trong xã vẫn sử dụng nước giếng khoan. Khi có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, người dân bị thu hồi trên 40ha đất và có mong muốn được sử dụng nước sạch khi nhà máy hoàn thành. Trước mong muốn của người dân, lãnh đạo huyện Gia Lâm rất quan tâm chỉ đạo để người dân sớm được dùng nước sạch và phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Công ty TNHH Nước sạch Hùng Thành-Phù Đổng với Nhà máy nước mặt sông Đuống nên quá trình đàm phán, thỏa thuận kéo dài. Tuy nhiên, theo thông tin tôi được biết thì việc chuyển nhượng dự án cấp nước xã Phù Đổng và đấu nối nước của Nhà máy nước sạch sông Đuống sẽ được hoàn thành trước ngày 10-10-2019”.
Xác nhận việc này với Báo Quân đội nhân dân, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống, thông tin: “Dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm cùng chủ trương thống nhất quản lý cung cấp vận hành mạng lưới cấp nước trên điạ bàn, tiến tới đóng ngầm các trạm nước nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã nhiều lần làm việc với Công ty TNHH Hùng Thành-Phù Đổng và đi đến thống nhất: Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ tiếp quản và vận hành mạng lưới cấp nước tại xã Phù Đổng. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai tuyến ống phân phối để đấu nối nguồn nước từ tuyến ống truyền dẫn của nhà máy vào mạng lưới dịch vụ của xã Phù Đổng, dự kiến hoàn thành cuối tháng 9-2019. Khi thủ tục hoàn tất, chúng tôi sẽ tiếp quản vận hành, triển khai mạng lưới cấp nước dịch vụ cho những hộ dân còn chưa có mạng dịch vụ của xã Phù Đồng với mục đích cao nhất là 100% nhân dân trong xã được dùng nguồn nước sạch từ nhà máy”.
Công nhân Nhà máy nước mặt sông Đuống theo dõi các thông số về chất lượng nước và mạng lưới cấp nước dịch vụ. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Đại diện Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng cho biết thêm, từ cuối tháng 7-2019, nhà máy đã triển khai mạng lưới cấp nước dịch vụ và hoàn thành cấp nước cho người dân hai xã Trung Mầu, Văn Đức (huyện Gia Lâm) với tỷ lệ hộ gia đình tham gia đấu nối đạt trên 99%, bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt theo quy định hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hiện tại, nhà máy đang triển khai thi công mạng lưới cấp nước dịch vụ cho các xã Kim Sơn, Lệ Chi (huyện Gia Lâm); Mai Lâm, Dục Tú (huyện Đông Anh) và dự kiến cuối tháng 12-2019 sẽ hoàn thành. Tiến tới, nhà máy sẽ thi công mạng lưới cấp nước cho 6 xã còn lại của huyện Đông Anh và 3 xã của huyện Thanh Trì đã được TP Hà Nội giao.
Trước tin vui này, ông Nguyễn Tiến Lợi, người dân thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng, chia sẻ: “Bao năm qua nhà tôi sử dụng nước giếng khoan và phải lọc qua nhiều công đoạn nhưng vẫn không yên tâm. Vì thế, trong thời gian tới, tôi sẽ vận động người thân trong gia đình sử dụng nước sạch dù mỗi tháng phải mất thêm một khoản tiền nữa”.