Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne, cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc vừa được khánh thành giai đoạn 1 (với công suất 300.000m3 ngày/đêm) tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Giải quyết tình trạng mất nước cục bộ
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, Nhà máy nước mặt sông Đuống là một nhà máy được thi công với thời gian ngắn nhất với công suất lớn, có tiêu chuẩn nước cao nhất từ trước đến nay không chỉ ở Hà Nội mà còn ở cả nước.
“Từ trước đến nay, cứ vào mùa khô, báo chí lại phản ánh ở Hà Nội đâu đó thiếu nước sạch và thành phố luôn phải túc trực xe téc để bổ sung nước cho người dân. Nhưng 2 năm qua, kể từ khi khánh thành phân kỳ 1 của nhà máy đến nay, tình trạng đó đã chấm dứt. Chúng ta hoàn toàn yên tâm các hiện tượng mất nước cục bộ tại các khu đô thị và vùng nội thành cơ bản đã được khắc phục”,Chủ tịch UBND TP chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, việc nhà máy nước mặt sông Đuống hoạt động hiệu quả là minh chứng cho chủ trương đúng đắn khi thay đổi mô hình quản lý, kinh doanh nước sạch cả nước nói chung và ở Hà Nội nói riêng.
Theo đó, từ đầu 2016, thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án nước sạch.
Đây là công trình tiêu biểu cho công tư kết hợp, liên danh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư, sự ủng hộ của người dân đã giúp dự án về đích đúng hạn. Các công nghệ tiên tiến nhất của ngành nước trên thế giới đã được chủ đầu tư lắp đặt tại nhà máy.
Toàn bộ hệ thống đầu tư, thiết kế, thi công các tuyến ống được lần đầu tiên được thực hiện tại Hà Nội đi qua lòng sông Đuống. "Kết quả này khẳng định vai trò vị thế các nhà đầu tư, công nhân kỹ thuật của Việt Nam đã thi công thành công các kỹ thuật thi công khó nhất của thế giới", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
TP cũng sẽ cam kết tạo điều kiện cho chủ đầu tư nâng công suất nhà máy lên ̣̉600.000m3 ngày đêm vào tháng 10/2023...
Rà soát điều chỉnh hệ thống giếng nước ngầm
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ sớm có điều chỉnh, rà soát để đóng các giếng nước ngầm hiện đang bị ô nhiễm.
“Tuyên truyền đến người dân các vùng nông thôn, các vùng phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch ngừng việc khoan giếng nước và chuyển sang dùng nước sạch”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Bởi trên thực tế, tình trạng ô nhiễm nước ngầm tại Hà Nội đã được cảnh báo. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), đơn vị được giao lập điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội, nguồn nước ngầm tại Hà Nội đang ô nhiễm ở mức báo động.
Khảo sát hiện trạng cấp nước cho đô thị của VIWASE, các giếng ngầm tại các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm có hàm lượng sắt cao. Các giếng ở các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng mangan cao.
Đặc biệt, các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam thành phố thuộc các nhà máy nước: Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai bị ô nhiễm nặng; nước ngầm không bảo đảm chất lượng, hàm lượng amoni rất cao và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
Nguyên nhân là do khu vực này có địa hình thấp, toàn bộ nước bề mặt chưa được xử lý chảy về hướng này, ngấm xuống làm bẩn những tầng chứa nước nằm sâu dưới lòng đất.
Do đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết 2020, thành phố sẽ phấn đấu toàn bộ khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị. Tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư để hoàn thành các nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước mặt các con sông.