Do nắng hạn nghiêm trọng nên việc cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt rất khó khăn và có không ít nơi người dân phải mua nước ngọt với giá lên đến 200.000 đồng/m3.
Nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân ở ĐBSCL vẫn rất khó khăn. Trong ảnh là người dân tỉnh Bến Tre nhận nước hỗ trợ từ một tổ chức vừa diễn ra gần đây. Ảnh: Trung Chánh/TBKTSGTrước thông tin Thành phố Rạch Giá thiếu nước ngọt, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện các hồ chứa nước ngọt ở Rạch Giá gần như đã cạn và không có khả năng lấy nước từ bên ngoài vào, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân vào khoảng 50.000 m3/ngày đêm, cho nên việc cấp nước ngọt phục vụ nhu cầu của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Dù đã xuất hiện một số cơn mưa trong những ngày gần đây tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ở khu vực này vẫn thiếu trầm trọng.Theo ông Nhịn, trước tình thế khó khăn như trên, địa phương đã cho khoan thêm 10 giếng nước ngầm, bổ sung được khoảng 20.000 m3/ngày đêm nên tình hình cấp nước có khá hơn, nhưng vẫn trong tình trạng cầm chừng, và việc sử dụng nước của người dân cũng buộc phải hết sức tiết kiệm.
Đối với các vùng nông thôn, theo ông Nhịn, do nắng hạn nghiêm trọng nên việc cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt càng khó khăn và có không ít nơi người dân phải mua nước ngọt với giá lên đến 200.000 đồng/m3.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, một người chuyên chở nước đi bán cho người dân tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, cho biết tuy giá nước không đổi so với trước đó, tức vẫn ở mức 50.000 đồng/m3, nhưng do nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng nước tăng lên rất nhiều.
“Nếu như trước đó mỗi ngày tôi chở 7-8 xe nước, thì bây giờ tăng lên 15-16 xe/ngày”, ông Đạt nói.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân diễn ra ngày càng gay gắt hơn, nước ngầm hiện cũng đã bị nhiễm mặn và ở những khu vực ven biển người dân buộc phải mua nước từ nơi khác chuyển đến.
Trước tình hình trên, ông Lập đề nghị Chính phủ nên có cơ chế đặc thù riêng cho tỉnh Bến Tre và sớm triển khai các dự án sử dụng vốn ODA để địa phương có thể ứng phó với hạn và xâm nhập mặn thời gian tới, nhất là việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc họp giao ban về công tác ứng phó với hạn, mặn được tổ chức tại Sóc Trăng hôm 28-4, cho biết đến cuối tháng 4, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 225.800 hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt, tăng khoảng 70.800 hộ so với con số được ghi nhận vào đầu tháng 3/2016.
Cụ thể, theo ông Thắng, hiện tỉnh Bến Tre có khoảng 86.200 hộ thiếu nước sinh hoạt, Sóc Trăng 43.000 hộ, Kiên Giang 25.000 hộ, Trà Vinh 21.400 hộ, Long An 15.500 hộ, Cà Mau 14.500 hộ, Tiền Giang 7.000 hộ, Bạc Liêu 3.200 hộ, Vĩnh Long và Hậu Giang mỗi địa phương có 5.000 hộ đang thiếu nước ngọt sinh hoạt.
Trước diễn biến phức tạp như trên, Chính phủ cũng đã có chủ trương và yêu cầu các địa phương trong vùng ĐBSCL tuyệt đối không để bất cứ một người dân nào bị đói và thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn