(Quan hệ quốc tế) - Các quốc gia trên thế giới sẽ chia nhau nguồn nước ngọt như thế nào trong thế kỷ XXI?
Xin được giới thiệu cùng bạn đọc phần cuối bài viết của chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân Xergey Ishenko về một chủ đề rất gần gũi và thiết thực đối với những người Việt chúng ta.
Chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân Xergey Ishenko |
Đập chắn dòng sông Nile Xanh tại Ethiopia |
Liệu có thể cố đưa ra dự báo về việc còn những khu vực nào khác trên Trái Đất, nơi mà hạn hán và những cơn khát triền miên cùng nạn đói quy mô lớn có thể gây ra những chuyện như vừa nói ở trên không (chiến tranh giành nguồn nước)?
Hoàn toàn có thể. Về đúng chủ đề này, đúng một năm rưỡi trước đây, tháng 9/2018, các phương tiện truyền thông Israel đã cho đăng tải một công trình nghiên cứu phân tích có tiêu đề ‘Ngày tận thế hôm nay” của nhà khoa học chính trị, nhà Phương Đông học Israel Guy Behor.
Sau đây là một số trích đoạn trong công trình (bài báo) đó của ông: “Đây là một chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử- cả sông Nile, sông Tigris và sông Euphrates đang biến mất ...
Một tình trạng kinh hoàng đang xảy ra tại Iraq: dòng chảy của sông Tigris cạn khô và mọi người dân đang nguyền rủa chính quyền của họ.
Và bây giờ, với tình trạng cạn trơ đáy của cả ba con sông vĩ đại ở Trung Đông như thế này, cứ như thể từ một lời nguyền khủng khiếp nào đó trong Kinh Thánh, cư dân của các vùng đất Ả Rập sẽ đi về đâu?. ..
Sông Tigris vĩ đại từng chảy qua Iraq hàng ngàn năm nay, giờ đã cạn đến mức có thể lội bộ qua nó như lội qua một vũng nước- từ bờ bên này sang bờ bên kia. Sông đã cạn dòng đến mức ở một số vùng của Iraq đã cháy khô.
Và những con cá đã từng sống trong đó, dĩ nhiên, cũng đã chết cùng với tất cả các thảm thực vật trên sông. Đây hoàn toàn có thể là thảm họa khủng khiếp nhất trong tất cả những thảm họa đã từng xảy ra tại Trung Đông".
Theo quan điểm của Behor, có ba nguyên nhân dẫn đến thảm họa chưa từng có này ở Trung Đông - quy mô và mức độ của nó cho đến bây giờ nhân loại vẫn chưa nhận thức được hết.
Trước hết- đó là những hành động bất chấp và ích kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước vốn cũng bị thiếu độ ẩm mang lại sự sống này đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn đang thống trị trên lãnh thổ các nước láng giềng sau Chiến dịch tấn công Iraq và lật đổ chế độ Saddam Hussein của người Mỹ.
Và họ đã xây dựng trên dòng sông Tifris tại địa điểm sát biên giới với Iraq con đập khổng lồ Ilisa trị giá 2,6 tỷ USD mà không gặp bất kỳ sự phản đối hay ngăn cản nào.
Cùng với đó, khi tích nước, người Thổ đã nhấn chìm hàng chục ngôi làng của người Kurd xuống đáy hồ khổng lồ này. Cùng chìm xuống đáy hồ là cả thành phố Hasankeyf (còn được gọi là Kefe) khoảng mười nghìn năm tuổi và là nơi có nhiều người Kurd sinh sống.
Đập chắn sông tại Ilusa Thổ Nhĩ Kỳ |
Ankara tuyên bố rằng rất nhiều di tích của thành phố Hasankeyf đã được chuyển đi nơi khác, còn những người dân sống ở đó đã được quan tâm bố trí nơi định cư mới.
Nhưng một khi đã biết thái độ của người Thổ đối với người Kurd, khẳng định này có vẻ không được đáng tin lắm. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ không còn là chuyện này nữa.
Điều quan trọng nhất đối với chúng ta trong chuyện này đã trở nên không còn thể nghi ngờ gì nữa: mực nước sông Tigris sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xây đập đã xuống thấp một cách khủng khiếp. Nền nông nghiệp của Iraq vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh với Mỹ đang đứng trên bờ vực sụp đổ.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự biến mất của các con sông vĩ đại ở Trung Đông – đó là biến đổi khí hậu. Behor viết về vấn đề này như sau:
“Khí hậu đã thực sự thay đổi - thiếu mưa, hạn hán kéo dài mười năm liền, nguồn sinh thủy cạn kiệt – dẫn đến việc khai thác nước ngầm một cách dã man tại các làng mạc, và kết quả là mực nước ngầm ngày càng giảm.
Bởi vì những nhà cầm quyền trên khắp không gian thế giới Ả- rập, hoặc là không hành động hoặc là bị nạn tham nhũng chi phối hoàn toàn, nên đã tuyệt đối không có bất kỳ một động thái nào nhằm kiểm soát việc khoan các giếng nước ngầm, và không chỉ thế, thậm chí nhiều quan chức còn đứng ra tổ chức khoan giếng để làm giàu cho riêng mình.
Nguyên nhân thứ ba- đó là công tác quản lý. Theo vị chuyên gia này thì: “trong suốt nhiều thập kỷ, chính quyền (các nước trong khu vực) đã phớt lờ nhu cầu của dân chúng, buộc họ phải trồng những loại cây cần nhiều nước– như lúa mì, bông.
Và tất nhiên, nạn tham ô, tham nhũng, sự thờ ơ của chính phủ và chiến tranh đã biến chính quyền trên khắp không gian Ả Rập thành một nhân tố hoàn toàn đứng ngoài lề. Họ vừa không muốn, và vừa cả không thể"...
Và tiếp theo (nhận định của Behor): “Chính đất nước Iraq, một đất nước đã từng có thời được mệnh danh là “Um el-rafidiin”- tức “đất nước của hai dòng sông” (“Lưỡng Hà”) – cũng đang khô cạn.
Và kịch bản của một thảm họa không thể tránh khỏi cũng được người dân ở đấy (Iraq) tiếp nhận với một chủ nghĩa bi quan theo tionh thần “Ngày tận thế”, bởi vì vào cái ngày khi các dòng sông “ra đi”, thì đó chính là lúc mà Iraq cũng sẽ “ra đi” theo.
Giới cầm quyền ở Baghdad, dường như, chỉ bắt đầu khi đã quá muộn. Theo các chuyên gia, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất rất có thể lại sẽ là một “cuộc chiến tranh tuyệt vọng” nữa giữa người Iraq với người Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếp theo – xin chỉ nói rất ngắn gọn. Hạn hán kéo dài kinh niên ở miền Nam Syria đã sinh ra hàng triệu người tị nạn- họ tràn vào các thành phố Syria, và đó là một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho nổi dậy kéo dài nhiều năm của phe Hồi giáo chống lại chế độ Bashar al-Assad.
Nước Jordan láng giềng cũng điên đảo vì không có nước. Phía bên kia biên giới, những người nông dân Syria nghèo khổ đang khoan giếng một cách không thể kiểm soát được và khai thác nước một cách dã man từ sông Yarmouk,- một chi nhánh của sông Jordan.
Chính vì vậy mà tình hình trong khu vực này đang xấu đi rất nhanh ngay trước mắt chúng ta.
Theo các số liệu của Behor, một “đòn tấn công” tương tự cũng đã rơi xuống đầu Iran. Hạn hán đã hoành hành trong suốt một thập kỷ rưỡi qua trên một nửa diện tích lãnh thổ, nơi tập trung tới 90% dân số và đất trồng trọt của Iran.
Con sông Zayenderud vĩ đại một thời (“Zayenderud” tiếng Ba Tư có nghĩa là “Dòng sông đem lại sự sống”) chảy qua Isfahan, giờ đã cạn trơ đáy. Trong khi dòng sông này cùng với những cây cầu cổ đại bắc qua nó vốn từng là biểu tượng quan trọng nhất, là dấu ấn của nền văn minh Ba Tư.
Các vị (người Nga) cảm thấy rằng dường như cuộc “chiến tranh tuyệt vọng”- đó là một cái gì đó ở một nơi nào đó cách chúng ta rất xa và không liên quan gì đến chúng ta? Biết nói thế nào nhỉ.
Chỉ mới vài tuần trước, các chuyên gia phân tích của Quỹ Jamestown (The Jamestown Foundation ) không hiểu vì lý do gì mà đã đột nhiên tuyên bố rằng: "tình trạng thiếu nước nghiêm trọng tại Crimea có thể sẽ là nguyên nhân tiềm tàng dẫn đến một cuộc chiến tranh giữa Ucraine và Nga".
Một số trong 22 hồ chứa nước của bán đảo Crimea đã cạn trơ đấy, lượng nước trong những hồ còn lại chỉ còn chưa đầy một phần ba dung tích thiết kế. Nguyên nhân là do mùa đông vừa rồi không có tuyết và lượng mưa rất thấp trong thời gian gần đây.
Các nhà phân tích của “The Jamestown Foundation” nhận định: “Tình trạng (khô hạn) này làm tăng khả năng là Matxcova có thể sẽ quyết định lựa chọn phương án quân sự đối với miền nam Ukraine để giành quyền kiểm soát nguồn nước cung cấp cho bán đảo nhằm ngăn ngừa một thảm họa nhân đạo quy mô rất lớn vào mùa hè này”.
Và mặc dù Quỹ này (“The Jamestown Foundation”) vốn nổi tiếng là một tổ chức "cực thân CIA", nhưng tôi sẽ không bỏ ngoài tai những cảnh báo này của họ. Chí ít cũng bởi vì tình hình nước ngọt ở Crimea hiện nay quả thực là - không thể xấu hơn được nữa.
Và không một ai dám cam kết là trong một vài năm nữa tình hình sẽ tiến bộ hơn. Bởi vì các nhà cầm quyền của nước cộng hòa (Cộng hòa Crimea- một chủ thể của Liên Bang Nga-ND) trên thực tế đã không làm bất cứ một cái gì ra hồn để cải thiện tình hình, và tất cả chỉ là nói mồm và họp hành liên tục hết lần này đến lần khác. Cũng chưa thấy sự chú tâm đặc biệt nào từ phía Matxcova.
Trong khi đó, không nhất quyết cứ phải nổ súng mới có thể giải quyết được vấn đề nước ở Crimea. Kinh nghiệm của những người khác cho thấy rằng vẫn có cách giải quyết vấn đề trên bán đảo của chúng ta ngay cả khi không cần phải để ý đến Ucraine. Nhưng chỉ với điều kiện- nếu như bắt đầu giải quyết vấn đề một cách thực sự nghiêm túc.
Cơ sở để giải quyết vấn đề, có lẽ, nên học hỏi kinh nghiệm của Israel. Ở đó (Israel) khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác còn tệ hơn nhiều so với Crimea.
Nhưng trong khi chúng ta (Nga) chỉ thi nhau nói khoác, thì chỉ trong một vài năm, Israel đã biến mình thành một "siêu cường" nước nhân tạo ở Trung Đông.
Và Israel không chỉ đảm bảo nước cho chính mình, mà còn cung cấp một phần nước, lấy ví dụ, cho nước láng giềng Jordan mà chúng ta đã đề cập tới ở trên. Tại sao Isarel lại có thể làm được điều thần kỳ đó?
Chúng ta lại hãy một lần nữa chăm chú lắng nghe lời Ngài Behor: “Về vấn đề này, chúng ta (Israel) đang rất ổn. Trong suốt 70 năm, chúng ta đã tìm kiếm nguồn nước, học cách sử dụng nước nhiều lần, học cách lọc nước, học hỏi cách tiết kiệm nước.
Bởi vì chính cái “Ngày tận thế nước” khủng khiếp này đã dạy chúng ta rất nhiều điều, kể cả dạy ta cách khử muối trong nước, điều mà không ai trong thế giới Ả Rập có thể làm được.
Họ (người Ả rập) cứ tưởng rằng những dòng sông vĩ đại của họ sẽ chảy mãi mãi. Và vì thế đã không đụng một ngón tay để chuẩn bị (cho ngày Tận thế nước). Bởi vì việc gì phải chuẩn bị trong khi có nhiều nước đến thế và không có gì khiến ta phải lo lắng?
Nhưng đến khi sự dồi dào (nguồn nước) kết thúc, thì lúc đó mới thấy được rằng chính những ai không có nhiều nước lại là những người được chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản (xấu nhất) này”.
Về nguyên tắc- có ba yếu tố cơ bản làm nên thành công của người Israel.
Trước hết- đó là phương pháp tưới nhỏ giọt cho cây xanh được áp dụng khắp nơi, phương pháp này mới bắt đầu được áp dụng ở Crimea của chúng ta.
Thứ hai- kiểm soát toàn bộ tình trạng của các đường ống dẫn nước. Mỗi một đường ống trong tất cả các đường ống dẫn nước đều được lắp các cảm biến đặc biệt để kiểm soát- theo dõi khối lượng và tốc độ dòng chảy trong ống.
Nếu một đường ống đột nhiên bị vỡ hay rò rỉ ở đâu đó- trên màn hình của người vận hành sẽ ngay lập tức phát đi tín hiệu báo động. Cảm biến cũng thông báo chính xác vị trí xảy ra sự cố. Mọi công việc khắc phục bất kỳ sự cố nào cũng sẽ được làm xong chỉ trong vòng 24 giờ.
Thế còn chúng ta (Nga, tại Crimea) thì sao? Theo người đứng đầu Ủy ban quốc gia về Quản lý Nước và Cải tạo Đất cộng hòa Crimea Igor Vail thì, lấy ví dụ cụ thể , chỉ có 38% lượng nước mà thành phố Simferopol hút từ các hồ chứa là đến được với cư dân của thành phố này .
Số 62% nước còn lại ngấm qua vô số các vết nứt và chảy qua các lỗ thủng trên những các đường ống chưa từng được một ai ngó ngàng sửa chữa- chúng chảy đi đâu- không ai biết.
Yếu tố thứ ba- đó là khử mặn nước biển. Một số nhà máy hiện đại nhất đã được xây dựng cho mục đích này trên bờ biển Địa Trung Hải.
Nhưng chỉ có một trong số đó - Nhà máy "Sorek" gần Tel Aviv, là nhà máy lọc nước biển lớn nhất và hiện đại nhất trong tất cả các nhà máy tương tự trên toàn thế giới. Công suất của nhà máy “Sorek”- cung cấp 624.000 m3 nước đã khử muối mỗi ngày.
Để so sánh: ta lấy ví dụ, nhu cầu về nước ngọt ước tính của chính thành phố Simferopol nói trên không phải mùa cao điểm (tức thời gian nghỉ mát mùa hè) là khoảng 140.000 -150.000 m3 mỗi ngày đêm.
Thành thử, chỉ một nhà máy lọc nước “Sorek” của Israel cũng đã đủ để có thể cung cấp nước ngọt cho tới bốn thủ đô của Crimea (Simferopol là thủ phủ của Crimea-ND) từ nước mặn Biển Đen hoặc từ biển Azov.
Vậy tại sao cho đến bây giờ chúng ta vẫn không mua một nhà máy như vậy của Israel cho Crimea? Hoặc ít nhất cũng là mua những công nghệ đó của họ?
Khi đọc tất cả những điều này, cảm thấy rất bực mình. Sáu năm, thưa các bạn, đã trôi qua (kể từ ngày sát nhập Crimea). Đã 6 năm qua lá cờ ba màu (quốc kỳ) Nga bay trên đầu chúng ta.
Đã đến lúc phải tụt từ trên lò sưởi xuống (để hành động-ND). Để thực sự không phải đến một ngày nào đó chúng ta buộc phải đánh nhau để lấy nước. Như trong Pháo đài Brest bị bao vây (thời kỳ đầu Chiến tranh Vệ quốc-ND).
Hoặc phải chở nước bằng tàu biển qua eo biển Kerch. Trong trường hợp như vậy thì Kerch lại trở thành một “Con đường sống” mới của Crimea.